Trong bối cảnh thế giới biến động, các doanh nghiệp phân bón đang đối mặt nhiều thách thức do căng thẳng thương mại toàn cầu tăng khi khi Mỹ áp thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá nguyên vật liệu. Giá urê, NPK, Kali và DAP tăng mạnh cùng với sự “leo thang” của khí đốt (tại Trung Đông, Ấn Độ, Biển Đông), làm ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất, hoạt động nhập khẩu,…

PVCFC nỗ lực đổi mới, cái tiến trong mọi hoạt động của công ty, chủ động đối phó với những khó khăn thách thức để hoàn thành mục tiêu, khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành phân bón Việt Nam. Ảnh: DCM.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng chịu áp lực khi lượng phân bón nhập khẩu từ Nga, Brunei và Indonesia không ngừng gia tăng, tạo thêm sức ép cạnh tranh. Giá lúa gạo duy trì ở mức thấp trong vụ Đông Xuân vừa qua gây khó khăn trong công tác tái đầu tư cho vụ hè thu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Để ứng phó với tình hình biến động, PVCFC đã thể hiện sự linh hoạt và thích ứng cao bằng cách điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, thích nghi với biến động giá và nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó và tối ưu hóa quy trình vận hành.
Điều này giúp PVCFC duy trì sự ổn định trong sản xuất, đồng thời tận dụng hiệu quả các cơ hội đầu tư và mở rộng thị trường, kể cả trong bối cảnh đầy biến động. PVCFC đã nhanh chóng đưa ra chủ trương, kế hoạch đúng đắn cùng những hành động, giải pháp kịp thời và hiệu quả.
Chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) được quán triệt sâu rộng đến toàn thể các ban, đơn vị và từng cán bộ công nhân viên, tạo sự thấu hiểu, đồng lòng và thống nhất mục tiêu, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ Tâp đoàn và các đơn vị trong cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, PVCFC đã nhận đủ khí, từ đó các nhà máy đều được vận hành ổn định với công suất cao. Trong ba tháng đầu năm, sản lượng urê quy đổi đạt hơn 248.000 tấn, hoàn thành 105% kế hoạch quý I/2025. Tổng sản lượng NPK đạt 85,08 nghìn tấn, tương đương 102% kế hoạch và tăng 76% so với cùng kỳ năm 2024.
Việc linh hoạt tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đặc biệt là những thời điểm thấp vụ trong nước, tăng cường mạng lưới tiếp thị phân phối trong nước, gia tăng lợi ích khách hàng qua các chương trình, chính sách xúc tiến bán hàng…cũng đã góp phần đáng kể thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp.
Theo đó, quý I/2025, sản lượng tiêu thụ urê đạt 262,59 nghìn tấn, vượt 177% kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng tiêu thụ NPK (PVCFC và Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt - KVF sản xuất) đạt trên 57.000 tấn, hoàn thành 107% kế hoạch quý, trong đó riêng sản lượng tiêu thụ NPK do PVCFC sản xuất ước đạt hơn 38.000 tấn, vượt 136% kế hoạch và gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2024. Mảng tự doanh phân bón cũng ghi nhận kết quả khả quan với gần 46.000 tấn, vượt 129% kế hoạch và đạt 321% so với cùng kỳ.

Những con số này vừa chứng minh nền tảng vững chắc suốt hơn 14 năm của PVCFC, vừa là động lực để doanh nghiệp chinh phục mục tiêu năm 2025. Ảnh: DCM.
Trong 3 tháng đầu năm, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự nhạy bén và linh hoạt trong điều hành, PVCFC ghi nhận kết quả khởi đầu đầy ấn tượng. Doanh thu hợp nhất đạt hơn 3.985 tỷ đồng, vượt 169% kế hoạch quý I và bằng 138% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 440 tỷ đồng, vượt 330% kế hoạch theo Nghị quyết 9469 và tăng 15% so với cùng kỳ.
Trong thời gian tới, PVCFC sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tiến, tối ưu quy trình vận hành nhằm đảm bảo cả ba nhà máy: Đạm Cà Mau, NPK Cà Mau và NPK Hàn - Việt hoạt động liên tục, an toàn và bền vững. Song song đó là việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu, sản xuất, phát triển sản phẩm theo hướng bền vững, mở rộng thương hiệu và triển khai các bộ giải pháp canh tác toàn diện, mang lại giá trị thiết thực cho nông dân.
Đáng chú ý, trong năm 2025, PVCFC sẽ tập trung giới thiệu dòng sản phẩm NPK công nghệ Polyphosphate mới cùng phân khúc “Nông nghiệp đô thị”, đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng loại cây trồng và điều kiện thổ nhưỡng đến với nhiều khách hàng hơn.
Doanh nghiệp cũng đang triển khai hàng loạt dự án đầu tư tại Nhà máy Đạm Cà Mau nhằm hướng đến mô hình “nhà máy thông minh” như: nhà máy CO₂ thực phẩm, nhà máy khí công nghiệp (Nitơ, Argon…), điện mặt trời áp mái 5MWp, nâng công suất nhà máy đạm lên 960.000 tấn/năm và mở rộng mái che xuất hàng. Những dự án này không chỉ tối ưu sản xuất, gia tăng doanh thu mà còn khẳng định vai trò tiên phong của PVCFC trong xu hướng “xanh hóa” ngành công nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, PVCFC đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng với tổng sản lượng khoảng 250.000 tấn các loại để kịp thời phục vụ bà con trong canh tác vụ hè thu. Đây là nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, hỗ trợ nhà nông tái đầu tư sản xuất đúng thời điểm, đặc biệt có nhiều chương trình khuyến mãi cho bà con nông dân trên khắp các vùng miền trên cả nước..

PVCFC sẽ triển khai nhiều dự án hướng đến mô hình “nhà máy thông minh”. Ảnh: DCM.
Về thị trường, PVCFC tiếp tục chủ động mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào mùa thấp điểm trong nước; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác uy tín toàn cầu để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển sản phẩm chất lượng cao. Doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư hệ thống kho bãi, logistics tại TP. HCM và các khu vực trọng điểm như Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên… nhằm củng cố hệ thống phân phối và mở rộng thị phần trong nước lẫn quốc tế.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, PVCFC đặc biệt chú trọng đến phúc lợi người lao động với nhiều chương trình cải thiện chính sách, chăm sóc sức khỏe, môi trường làm việc và đảm bảo đời sống ổn định. Năm 2025 cũng sẽ là năm doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng ý nghĩa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, đời sống nông thôn, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội và tinh thần sẻ chia.
PVCFC đang từng bước xây dựng hình mẫu một doanh nghiệp không chỉ vững mạnh về kinh tế mà còn tiên phong trong lan tỏa giá trị đến người lao động và cộng đồng. Thời gian tới, dự báo sẽ tiếp tục nhiều thách thức, nhưng cũng là cột mốc đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ, khẳng định vị thế hàng đầu của PVCFC trong ngành phân bón Việt Nam.