
Kiến tạo chuỗi giá trị sầu riêng có trách nhiệm
Kiến tạo chuỗi giá trị sầu riêng có trách nhiệm; Không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo phòng, chống thiên tai; Ngư dân Quảng Ngãi vào vụ đánh bắt cá rò.
Quỳnh Anh | 09:28 26/05/2025
Kiến tạo chuỗi giá trị sầu riêng có trách nhiệm
SỐ – 20– 2025
Kịch bản; Dựng; Biên tập: Xuân Hào, Quỳnh Anh
Kỹ thuật: : Bình Thành – DũngSEO
Đồ họa: Khánh Thiện
MC1: Tùng Sơn
MC2: Anh Quỳnh
Nhạc hiệu (25 giây)
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- Kiến tạo chuỗi giá trị sầu riêng có trách nhiệm
- Không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo phòng chống thiên tai
- Xây dựng phương án sản xuất lúa phù hợp điều kiện từng địa phương
- Bắc Giang: Phòng trừ, hạn chế sự lây lan của sâu bệnh hại lúa trên diện rộng
- Xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi, Nam Định tổng lực dập dịch
- Tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp
- 5 hộ nuôi biển công nghệ cao được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển
- Ngư dân Quảng Ngãi vào vụ đánh bắt cá rò
Sau đây là nội dung chi tiết:
-
Kiến tạo chuỗi giá trị sầu riêng có trách nhiệm
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Theo thông tin tại Hội nghị, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Bước ngoặt lớn diễn ra vào tháng 7/2022, khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Chỉ sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt 3 tỷ USD. Tuy nhiên bên cạnh thành tựu, Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy cũng cảnh báo về hệ lụy từ phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm nay. Bộ trưởng khẳng định, nếu không sớm tái cơ cấu, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ làm tổn hại đến uy tín nông sản Việt Nam. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.

- Không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo phòng chống thiên tai
Từ đầu tháng 5 đến nay, tại nhiều địa phương đã ghi nhận các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, sét, mưa lớn cường độ cao. Những đợt mưa này đã gây thiệt hại về người và tài sản do lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tuyệt đối không để xảy ra gián đoạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống thiên tai. Các địa phương cần chủ động phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiệm vụ theo dõi sát tình hình thời tiết, thiên tai để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và nhân dân. Đôn đốc các địa phương tập trung xử lý kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai.
-
Xây dựng phương án sản xuất lúa phù hợp điều kiện từng địa phương
Theo dự báo của đến cuối tháng 5, miền Bắc sẽ có mưa rào và dông trên diện rộng. Sang đầu tháng 6, thời tiết phổ biến ít mưa, trời nắng nóng. Để chủ động ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của thời tiết, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã gửi văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố phía Bắc quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện những giải pháp. Trong đó căn cứ vào khuyến cáo về thời vụ và cơ cấu giống, xây dựng phương án sản xuất vụ hè thu và vụ mùa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đảm bảo lúa hè thu ở các tỉnh Bắc Trung bộ thu hoạch trước ngày 5/9 và trà lúa mùa sớm ở Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc thu hoạch trước 30/9; tạo quỹ đất làm cây vụ đông sớm. Chủ động nguồn cung ứng đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giống lúa, rau, màu cho sản xuất; lượng giống dự phòng khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
- Bắc Giang: Phòng trừ, hạn chế sự lây lan của sâu bệnh hại lúa trên diện rộng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang, vụ chiêm xuân 2024-2025, toàn tỉnh có gần 46 nghìn ha lúa. Thời điểm này, trà xuân sớm đang đông sữa, chắc xanh; trà xuân muộn đang làm đòng, trỗ. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện có 113 ha lúa nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn cổ bông; 211 ha nhiễm nhẹ bệnh bạc lá; 186 ha nhiễm nhẹ bệnh đốm sọc. Để hạn chế sự phát sinh và lây lan của sâu bệnh trên diện rộng, Chi cục đề nghị các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, gây hại của các đối tượng như: Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn cổ bông, đặc biệt trên các giống lúa đã nhiễm bệnh và giống có bản lá rộng.
-
Xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi, Nam Định tổng lực dập dịch
Từ ngày 8/5 - 21/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 10 hộ chăn nuôi của tỉnh Nam Định với tổng số lợn chết, tiêu hủy là 23 con; dịch có chiều hướng lây lan, phát sinh nhiều ổ dịch mới.Hiện tại, thời tiết đang có những diễn biến bất thường, nắng mưa xen kẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường và trên đàn lợn, trong khi việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi còn nhiều hạn chế, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan ra diện rộng là rất cao. Do đó, UBND tỉnh Nam Định vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương tổng lực dập dịch sau khi xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 2 xã thuộc 2 huyện. Hàng ngày, báo cáo diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch về UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Môi trường cho đến khi hết dịch.
- Tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp
Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra ngẫu nhiên trên lâm phần của các đơn vị chủ rừng tại huyện Bảo Lâm trong tháng 4 vừa qua, đã phát hiện nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm để canh tác nông nghiệp. Không chỉ vậy, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp và phá rừng tiếp tục xảy ra trong khi các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Việc chưa rà soát đầy đủ diện tích đất trống trong lâm phần quản lý, cũng như không triển khai trồng rừng trên diện tích đã bị phá, tiếp tục là những tồn tại kéo dài nhiều năm trên toàn tỉnh. Trước tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc đề nghị chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, chính quyền các cấp triển khai ngay các biện pháp nâng cao trách nhiệm, kiên quyết xử lý vi phạm.
- 5 hộ nuôi biển công nghệ cao được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển
Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo Khánh Hòa cho biết vừa cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 5 cá nhân ở phường Phước Long (TP. Nha Trang) nuôi trồng thủy sản trên biển ứng dụng công nghệ cao tại khu vực Đầm Bấy (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Đây là những cá nhân đầu tiên trong tỉnh tiên phong nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển từ 3 đến 6 hải lý và được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Sau khi được Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển, các hộ này sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục để được giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại khu vực Đầm Bấy.
- Ngư dân Quảng Ngãi vào vụ đánh bắt cá rò
Khi rong mơ phát triển, cá rò về trú ngụ cũng là lúc ngư dân ở các xã ven biển tỉnh Quảng Ngãi bước vào vụ đánh bắt cá rò. Đây là nghề thời vụ, nhưng mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con. Theo một số ngư dân, Cá rò được bán với giá dao động từ 15 - 25 nghìn đồng/kg, nên với sản lượng đánh bắt khoảng 2 tạ/ngày như hiện nay, mỗi ngày sau khi trừ chi phí, một người có thể có thu nhập hơn 2 triệu đồng. Đây là thu nhập khá cao với ngư dân đánh bắt gần bờ. Năm nay, sản lượng cá rò nhiều hơn mọi năm. Nguyên nhân là nhờ sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nên ngư dân đã nâng cao ý thức gìn giữ và bảo vệ rong mơ đúng cách, cam kết khai thác đúng thời điểm, nên cá rò về sinh sản, trú ngụ rất nhiều.
Nhạc cắt
Thưa quý vị và bà con, hiện nay, sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tuy nhiên 4 tháng đầu năm nay, ngành hàng này có những dấu hiệu bất ổn. Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Bộ NN-MT cùng các cơ quan liên quan đã có nhiều giải pháp, nỗ lực đàm phán để tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho sầu riêng tiếp tục rộng đường xuất khẩu. Tin vui là, trong tuần qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức công nhận thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của nước ta. Thế nhưng về lâu dài, ngành hàng này cần có sự tái thiết phù hợp, đầu tư xứng đáng hơn để bảo vệ thương hiệu và khẳng định vị thế nông sản Việt. Tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững do Bộ NN-MT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ:
Đối thoại
Băng
Quỳnh Anh
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Kiến tạo chuỗi giá trị sầu riêng có trách nhiệm
Kiến tạo chuỗi giá trị sầu riêng có trách nhiệm; Không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo phòng, chống thiên tai; Ngư dân Quảng Ngãi vào vụ đánh bắt cá rò.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Vụ lúa hè thu ở ĐBSCL thường xuyên đối diện với thiệt hại do mưa lớn. Do đó, việc tuân thủ đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống là giải pháp bảo vệ sản xuất.
Lễ khai mạc Tuần du lịch Ninh Bình năm 2025 vừa được tổ chức bên dòng sông Ngô Đồng - một trong năm cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam.