| Hotline: 0983.970.780

Ô nhiễm 'bóp nghẹt' kênh thủy lợi: Chuyển đổi sang nuôi thủy sản 'xanh'

Chủ Nhật 25/05/2025 , 20:38 (GMT+7)

Chuyển đổi sang mô hình nuôi tập trung, có hệ thống xử lý nước thải là giải pháp bền vững giúp bảo vệ kênh thủy lợi và đảm bảo sinh kế cho người dân.

Tồn đọng nhiều năm

Huyện Dương Minh Châu có diện tích nuôi trồng thủy sản 148 ha, sản lượng trung bình 230 tấn/năm. Xã Phước Minh là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản do gần hồ Dầu Tiếng. Qua ghi nhận thực tế, tình trạng nuôi thủy sản xả thải trực tiếp ra kênh thủy lợi tại xã Phước Minh là vấn đề tồn tại nhiều năm.

Thực trạng nuôi trồng thủy sản buông lỏng kiểm soát môi trường tại huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Trần Trung.

Thực trạng nuôi trồng thủy sản buông lỏng kiểm soát môi trường tại huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Trần Trung.

Theo đại diện UBND xã Phước Minh, mô hình nuôi cá lóc, ba ba nhỏ lẻ đã tồn tại hơn 20 năm. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động thông qua các buổi hội thảo, cung cấp tài liệu hướng dẫn và phối hợp với các đoàn thể nâng cao nhận thức cộng đồng, nhưng việc xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn do phần lớn hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, thiếu điều kiện đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

UBND xã hiện đang triển khai lộ trình quy hoạch vùng nuôi tập trung có hệ thống xử lý nước thải phù hợp. Tuy nhiên, đây là quá trình dài hơi, cần sự phối hợp của nhiều ngành, đơn vị chuyên môn.

“UBND xã không thể xử lý triệt để nếu không có sự tham gia của các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh. Ngoài tuyên truyền, chúng tôi kiến nghị cần áp dụng biện pháp xử phạt hành chính mang tính răn đe để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ môi trường”, ông Đỗ Hoàng Phúc, quyền Chủ tịch UBND xã Phước Minh chia sẻ.

Trên thực tế, địa phương chủ yếu mới dừng lại ở việc lập biên bản nhắc nhở, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, nếu xử phạt nghiêm theo quy định hiện hành, lại dễ đẩy người dân vốn đang chật vật mưu sinh vào tình thế khó khăn, đặc biệt là các hộ đang làm hồ sơ xin cấp phép chính thức.

Dù biết chăn nuôi gây ô nhiễm nhưng vì mưu sinh, bà con không còn cách nào khác. Ảnh: Trần Trung.

Dù biết chăn nuôi gây ô nhiễm nhưng vì mưu sinh, bà con không còn cách nào khác. Ảnh: Trần Trung.

“Đối với các trường hợp mới phát sinh, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, địa phương khẳng định sẽ kiên quyết yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định về môi trường, vị trí khu nuôi, khoảng cách với khu dân cư. Còn đối với các hộ dân nhỏ lẻ đã tồn tại từ lâu, chính quyền tiếp tục đồng hành, hướng dẫn giảm thiểu ô nhiễm, tiến tới chấm dứt xả thải ra kênh một cách bền vững”, ông Đỗ Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Đinh Hùng Danh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh cho biết, công ty rất quan tâm đến chất lượng nguồn nước bởi nguồn nước có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước tốt thì sản phẩm nông nghiệp tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, ô nhiễm nguồn nước có chiều hướng gia tăng.

“Về các giải pháp, chúng tôi tiến hành thống kê tất cả các điểm xả thải trực tiếp vào công trình thủy lợi để có cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng xử lý. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng, nhất là lĩnh vực môi trường, cần chung tay giải quyết”, ông Đinh Hùng Danh nhấn mạnh.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh kiểm tra, thống kê các tuyến kênh thủy lợi ô nhiễm. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh kiểm tra, thống kê các tuyến kênh thủy lợi ô nhiễm. Ảnh: Trần Trung.

Để ngành thủy sản phát triển ổn định và bền vững, tỉnh Tây Ninh đang tập trung phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyên canh hiện có, gắn với hệ thống kênh thủy lợi thuộc công trình Dầu Tiếng. Cụ thể: Vùng nuôi ba ba thương phẩm tại xã Tân Hòa (huyện Tân Châu); Vùng nuôi cá lóc (lóc đen, lóc bông) và cá nuôi hỗn hợp tại các xã Phước Ninh, Phước Minh, Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu); Vùng nuôi cá tra tập trung của Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Miền Đông tại xã Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng). Cùng với quy hoạch, phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung, tỉnh Tây Ninh cần chú trọng kiểm soát về môi trường.

Tài nguyên nước, nhất là hệ thống kênh mương thủy lợi, không chỉ là “huyết mạch” của nông nghiệp mà còn là “nguồn sống” của biết bao cộng đồng nông thôn. Khi những dòng kênh bị nhiễm độc bởi nước thải thủy sản, người thiệt thòi nhất chính là người dân.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính được vinh danh là Nhà Lãnh đạo ASEAN tiêu biểu 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính được vinh danh là Nhà Lãnh đạo ASEAN tiêu biểu tại Diễn đàn ALPF 2025 ở Malaysia, khẳng định vai trò và uy tín của Việt Nam.

Sầu riêng Việt Nam cần giữ vững chất lượng, chinh phục thị trường cao cấp

Đắk Lắk Sáng 25/5, trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tới thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên.