Ngày 9/7, Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam tổ chức Hội thảo Nhóm công tác triển khai NPAP Việt Nam lần thứ sáu.
Một trong những kết quả quan trọng của hội thảo là việc rà soát kết quả triển khai Chương trình NPAP, cập nhật danh sách thành viên Nhóm công tác và đặc biệt chính thức ra mắt Nhóm kỹ thuật Chính sách NPAP.
Phát biểu tại hội nghị, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP Việt Nam và Phó trưởng Nhóm Công tác, chia sẻ: "Kể từ khi ra mắt năm 2020, NPAP Việt Nam đã kết nối hơn 200 tổ chức và hỗ trợ trên 160 dự án giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Sáng kiến này đã thúc đẩy hơn 570 giải pháp sáng tạo, huy động tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ này đã góp phần định hình và lồng ghép nguyên tắc bao trùm vào các chính sách của Việt Nam".

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Kiều Chi.
Với vai trò chủ trì Chương trình NPAP tại Việt Nam, UNDP Việt Nam tiếp tục cam kết thúc đẩy nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể, được thiết lập dựa trên hợp tác chính thức giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ngoài ra, hỗ trợ hoạt động của Nhóm Đối tác trong giai đoạn nửa sau của năm 2025 để hiện thực hóa những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.
Ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Trưởng đoàn Việt Nam tại vòng đàm phán INC-5.2 khẳng định: "Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam chủ động định hình các đề xuất phù hợp điều kiện trong nước, đồng thời phát huy vai trò là thành viên tích cực của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu".
Sự kiện là điểm tiếp nối cho cam kết trong việc giải quyết những thách thức ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng thông qua trách nhiệm chung, cũng như huy động nguồn lực và các giải pháp chính sách. Song song, NPAP là cầu nối các bên liên quan củng cố chuyên môn, chia sẻ quan điểm và liên kết các biện pháp can thiệp để đạt được các mục tiêu quan trọng, bao gồm giảm 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030, loại bỏ nhựa dùng một lần ở các tỉnh ven biển và triển khai Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) trên toàn quốc.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế khẳng định tầm quan trọng của sự tham gia tích cực, chủ động từ các bên nhằm đảm bảo quá trình đàm phán thành công và hiệu quả cho Việt Nam tại INC-5.2. Ảnh: Kiều Chi.
Tại sự kiện, Hội nghị Nhóm Công tác triển khai Chương trình NPAP Việt Nam lần thứ 6 chính thức công bố Nhóm kỹ thuật Chính sách, một cơ chế được thiết kế thúc đẩy tính thống nhất giữa các khuôn khổ pháp lý liên quan đến hành động về nhựa và tính tuần hoàn.
Trưởng nhóm - ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, thông tin: "Nhóm kỹ thuật quy tụ 15 thành viên là các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và đối tác phát triển. Nhóm kỹ thuật sẽ hoạt động chặt chẽ với hai Nhóm kỹ thuật hiện hành của NPAP (Đổi mới sáng tạo và Tài chính, và Bình đẳng giới và Bao trùm xã hội), theo đó củng cố cách tiếp cận tích hợp và toàn diện để giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam".
Hoạt động của Nhóm sẽ củng cố nền tảng chính sách cần thiết cho những thay đổi dài hạn, mang tính hệ thống và đóng góp cho cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành là trưởng Nhóm Công tác của Chương trình, cùng 33 đại diện cấp cao thuộc các cơ quan chính phủ, đối tác phát triển, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tích cực chống ô nhiễm nhựa. Các lĩnh vực tác động của NPAP bao gồm chuyển đổi hành vi, thúc đẩy đổi mới, khơi nguồn tài chính, cung cấp thông tin xây dựng chính sách, hài hòa hóa các số liệu, thúc đẩy bình đẳng giới và bao trùm xã hội trong chuỗi giá trị nhựa.