
Arsenal trở thành mục tiêu kiểm soát của UEFA sau kỳ chuyển nhượng hè 2022.
Nếu lấy số tiền mua trừ đi tiền bán cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng hè 2022, tốp 10 đội bóng bội chi nhất thế giới có đến 7 cái tên đến từ nước Anh gồm: Chelsea, Nottingham Forest, Man Utd, Arsenal, West Ham, Tottenham và Wolves.
Đáng kể trong số này có sự vươn mình của Arsenal. Với mục tiêu trở lại đấu trường Champions Leasgue, đội bóng thành London đã cải tổ lực lượng mạnh mẽ dưới thời Mikel Arteta và thực chi tới 148 triệu euro để nâng cấp đội hình. Đây là mức chi không dễ dàng với "Pháo thủ", nhất là khi họ không có nguồn thu từ đấu trường Champions League.
Nếu tính cả phiên chợ hè năm ngoái, Arsenal đã "chi âm" đến 284 triệu euro vào thị trường chuyển nhượng để nâng cấp đội hình. Với mức chi lớn nhất trên toàn cõi châu Âu, đội chủ sân Emirates đang đối mặt nguy cơ vi phạm luật công bằng tài chính của LĐBĐ châu Âu (UEFA).
Cụ thể, theo tờ The Times, Arsenal là một trong số các đội bị UEFA điền tên vào danh sách đen với nguy cơ vi phạm công bằng tài chính - một đạo luật được xây dựng nhằm hạn chế việc các đội chi tiêu quá khả năng tài chính. Tùy theo mức độ, Arsenal có thể bị phạt tiền hoặc cấm thi đấu châu Âu.
Ngoài Arsenal, UEFA cũng cân nhắc đưa ra án phạt cho các đội vi phạm công bằng tài chính sau mùa giải 2020-2021, bao gồm PSG, Barca, Inter Milan, AS Roma và Juventus. Trong số này, Barca là đội bị nghi hoặc nhiều nhất sau khi chi ròng thêm 127 triệu euro trong hè 2022.
Trước nguy cơ bị UEFA "sờ gáy", Arsenal và Barca buộc phải thanh lọc lực lượng để cân bằng tài chính. Nhiều cầu thủ trẻ đã bị Arsenal đem bán như Joe Willock hay Matteo Guendouzi. Với Barca, mọi chuyện còn trầm trọng hơn. Đội chủ sân Camp Nou sẵn sàng bán cả trụ cột như Frenkie De Jong để giảm quỹ lương.
Có một chi tiết đáng lưu ý. Man City, đội vẫn nổi tiếng về chuyện vung tiền quá tay để mua cầu thủ, lại đang thu nhiều hơn chi tại kỳ chuyển nhượng năm nay. Nhờ đẩy đi Raheem Sterling, Gabriel Jesus, Oleksandr Zinchenko và một số cầu thủ nữa, đội bóng của Guardiola đang "dương" 38 triệu euro trong ngân sách.
Một cái tên gây bất ngờ nữa là Real Madrid. Sau khi chấp nhận để Casemiro gia nhập Man Utd, đương kim vô địch Champions League đang lãi ròng 12 triệu euro ở phiên chờ hè năm nay. Rõ ràng, bên cạnh việc xây dựng bộ khung có thể chinh chiến nhiều năm nữa, cả hai đội bóng này rất giỏi làm kinh tế - điều mà nhiều tên tuổi lớn khác phải thèm muốn.
Quan trọng hơn, Man City, Real Madrid đã và đang bước vào thời kỳ phát triển bền vững. Cùng với đội ngũ "săn đầu người" hoạt động hiệu quả khắp thế giới, họ luôn mua đúng và trúng những cái tên cần thiết, mà không phải lao vào bất cứ cuộc đua tranh nào để giành chữ ký, giống như cách Chelsea và Barca đã làm với trung vệ Jules Kounde.
Khi đã thiết lập được vị thế, Man City và Real buộc những kẻ bám đuổi như Arsenal hay Barca phải mạo hiểm với cái túi của họ. Bằng không, viễn cảnh bị tụt lại là quá rõ.