| Hotline: 0983.970.780

Ngôi trường trên đỉnh Cấm Sơn

Thứ Năm 01/05/2008 , 08:00 (GMT+7)

Mất cả ngày vượt đèo chúng tôi mới đến được đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), cao trên 7.000 m so mực nước biển thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang). Nơi ấy có một ngôi trường nằm lẻ loi trên chót núi.

Trường lặn giữa rừng cây

Vượt ghềnh đá đến trường.Giữa chốn thâm sơn hoang vắng thưa thớt bóng nhà, trông xa xa chúng tôi đã thấy ngôi trường nằm lặn giữa rừng cây mang tên THCS Núi Cấm.

Căn nhà lợp tôn vách ván cũ kỹ là nơi dung chứa hàng chục người tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Một bên dạy mẫu giáo, tiếng trẻ thơ đang bi bô tập hát theo cô giáo trẻ. Kế bên là một lớp tiểu học. Hai phòng học chính giữa, học sinh đang chăm chú trong giờ học ngoại ngữ. Phía sau lại có thêm một số lớp tiểu học. Giữa cái nắng trưa oi ả, giọng đánh vần ê a hòa lẫn tiếng tập đọc ngoại ngữ của đám học trò tạo nên âm vang rộn rã.

Trường THCS Núi Cấm vốn tách ra từ cơ sở của Trường Tiểu học B An Hảo. Tuy chỉ có một mái trường, nhưng có tới ba cấp học. Nơi đây vừa dạy cho học sinh tiểu học, lại dạy luôn THCS và cả mẫu giáo. Sang căn nhà gỗ lợp tôn vách trống bên kia, chúng tôi thấy có một khu nhà tập thể dành cho giáo viên với ba phòng nhỏ tẹo, ngăn cách bằng những tấm nilông, vách giấy.

Trong giờ giải lao, đám học sinh ngây ngô vui đùa, còn mấy thầy giáo trẻ xa nhà thì đang tranh thủ nấu cơm. Phòng bên cạnh các cô giáo trẻ cũng ngồi ôn lại giáo án, chuẩn bị cho giờ lên lớp. Thầy Huỳnh Văn Vui, Hiệu trưởng Trường THCS Núi Cấm cho biết, sau ngày hòa bình, cư dân dưới núi và từ nhiều nơi khác lên đây lập rẫy, trồng rừng. Dần dà hình thành những xóm nhỏ nằm rải rác quanh núi.

Đường lên xuống xa xôi cách trở, đi lại khó khăn nên hầu hết trẻ em đều không được cắp sách đến trường. Để có con chữ, nhiều người dân định cư trên núi đã chung tay góp sức dựng lên ngôi trường. Ban đầu trường chỉ có cấp tiểu học và được đặt tên là tiểu học B An Hảo. Nhiều người nhớ lại, lúc đó ngôi trường chỉ là căn chòi tre, vách nilông. Sau này một nhà hảo tâm đã hỗ trợ trường dựng nên hai phòng học bằng gỗ tạp, lợp tôn để thay thế và Trường THCS Núi Cấm được thành lập với hai phòng học tạm mới này.

Còn nhiều khó khăn

Một lớp học của trường.Cụm trường THCS, tiểu học và mẫu giáo có gần 300 học sinh, 21 giáo viên, hầu hết còn trẻ. Trong đó có tám giáo viên nam và ba giáo viên nữ thuộc hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên ở tập thể. Nhưng do phòng ốc còn thiếu thốn nên một số giáo viên hiện vẫn ở nhờ nhà dân.

Các phòng ngăn cách bằng những tấm nilông, vách dán giấy. Trong khoảng chật hẹp chừng vài mét vuông đó vừa là nơi ở, nơi nấu nướng và soạn giáo án của thầy cô. Mỗi khi trời mưa lớn, nước trút từ vách núi tràn lênh láng. Nhiều giáo viên trẻ tâm sự: “Tụi mình thì sao cũng được, học sinh có chỗ học đàng hoàng như hôm nay là mình mừng lắm rồi!”

Thầy giáo trẻ Đặng Thanh Nhàn kể: “Lúc phân hiệu THCS mới mở tôi cũng vừa tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM về và được phân công dạy môn mỹ thuật tại đây. Núi cao cách trở, hoang vắng, buồn lắm! Đời sống, sinh hoạt hết sức khó khăn...”. Bấy giờ trường lớp với căn chòi dã chiến tạm bợ, còn giáo viên trú tạm trong căn nhà bỏ hoang dưới dốc Thiên Tuế, hằng ngày vượt dốc đến trường.

Đêm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn u tịch, căn phòng tập thể vẫn leo lét ánh đèn dầu giữa bốn bề vắng vẻ. Gió non cao về khuya lạnh buốt, thốc vào vách nhà dán giấy nẩy rào rạt, những nhà giáo trẻ vẫn miệt mài bên trang giáo án.

Mùa mưa đường trơn trượt, nhiều bữa đứng lớp với quần áo lấm lem. Mùa khô thì chịu cảnh thiếu nước trầm trọng. Trên núi lại không có điện, đêm chốn thâm sơn càng u tịch. Tivi, sách báo đều không có. Gần đây, trường mới được trang bị ít đầu báo. Vẫn còn thiếu thốn đủ bề.

Có cùng hoàn cảnh với thầy Nhàn, cô giáo trẻ Lê Thị Thanh Tuyền quê ở xứ cù lao Chợ Mới, tốt nghiệp ngành cao đẳng tiểu học là về trường dạy từ năm 2005. Công tác xa, thỉnh thoảng Tuyền mới về nhà thăm. Cô giáo Tuyền tâm sự: “Mỗi lần về em thường lội bộ xuống núi mất ba bốn tiếng đồng hồ”

Bao năm cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Chi phí sinh hoạt, đi lại đều tăng cao so mức lương. Tuy vậy, từ ngày thành lập đến nay ở trường chưa có giáo viên nào “xuống núi”. “Đôi lúc cũng ngán ngẩm lắm, muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ tới các em thấy không nỡ, thế là bám lại” - nhiều giáo viên bày tỏ.

Xem thêm
HĐND TP. Hà Nội ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

HĐND TP. Hà Nội đã ban hành nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, tại kỳ họp thứ 22, HĐND Thành phố.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.