Ngày 8/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm thảo luận công tác chuẩn bị báo cáo về Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trung Nguyên.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, kèm theo tờ trình đề xuất ban hành một chỉ thị mới cho giai đoạn tiếp theo. Báo cáo sơ kết sẽ được trình Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, trình cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
Theo GS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Vấn đề khoa học công nghệ đã được lồng ghép trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chỉ thị số 42-CT/TW. Trong giai đoạn mới, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho công tác phòng chống thiên tai sẽ góp phần vào triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Qua đó, thể hiện sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Viện đề xuất bổ sung và làm rõ các nhiệm vụ khoa học công nghệ về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển các mô hình khả thi để chuyển giao, nhân rộng. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản với các nhiệm vụ tập trung vào xây dựng kịch bản thiên tai, nghiên cứu các loại hình thiên tai và biến thể của chúng, điều kiện phát sinh và diễn biến, quy luật, tác hại... làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của Việt Nam

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai. Ảnh: Trung Nguyên.
Bày tỏ sự đồng tình, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, số lượng nghiên cứu cơ bản cho lĩnh vực phòng chống thiên tai hiện còn ít. Trong khi đó, đây là nền móng khoa học cho việc thiết kế các công cụ quy hoạch, cơ chế chính sách và giải pháp hiệu quả; tiến tới chủ động phòng chống thay vì chỉ phản ứng bị động mỗi khi có sự kiện thiên tai xảy ra.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc hai cơ quan đã trao đổi về thực trạng, nhu cầu khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai; cách thức lồng ghép nội dung này trong quan điểm, mục tiêu đến giải pháp cụ thể trong tờ trình xin ý kiến xây dựng chỉ thị mới.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh các kết quả về khoa học công nghệ trong báo cáo sơ kết Chỉ thị số 42-CT/TW. Trong các kết quả còn lại về thể chế, tuyên truyền, nâng cao nhận thức... cũng làm rõ hơn đóng góp của khoa học công nghệ; những mặt được, chưa được trong nghiên cứu cơ bản. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản không cho thấy hiệu quả ngay, sản phẩm không rõ tính ứng dụng trong ngắn hạn nên rất cần quan tâm hơn, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đang tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

GS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tặng Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cuốn Atlas thiên tai Việt Nam - Phần đất liền. Ảnh: Trung Nguyên.
Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện dự thảo báo cáo và tờ trình, nhằm đề xuất các vấn đề khoa học công nghệ bám sát nhu cầu thực tiễn phòng chống thiên tai tại Việt Nam.