
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An có nhiều nội dung được đại biểu, cử tri quan tâm. Ảnh: Ngọc Hùng.
Sáng 11/7, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Trong đó, vấn đề được quan tâm hơn cả là giải quyết, sắp xếp cho gần 1.000 lao động dôi dư liên quan đến việc sáp nhập các đơn vị hành chính.
Ghi nhận của NNVN, giai đoạn 2023 – 2025 tỉnh Nghệ An có 1 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là thị xã Cửa Lò. UBND tỉnh đã xây dựng phương án sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và điều chỉnh một phần huyện Nghi Lộc (gồm 4 xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong) vào thành phố Vinh.
Đối với cấp xã, sau sắp xếp sẽ giảm 48 đơn vị hành chính, từ 460 (411 xã, 32 phường, 17 thị trấn) xuống còn 412 (362 xã, 33 phường, 17 thị trấn).
Theo tính toán của ngành Nội vụ, khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã dự kiến sẽ dôi dư hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức.
Chi tiết hơn, cán bộ, công chức, viên chức hiện có trước khi sắp xếp của thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò là 623 người, dự kiến sau sắp xếp sẽ bố trí được 416 người, đồng nghĩa số lượng dôi dư là 207 người. Tại cấp xã còn 913 người, dôi dư 799 người…

Giám đốc Sở Nội vụ, ông Nguyễn Viết Hưng thông tin về phương án và lộ trình giải quyết đối với gần 1.000 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Ảnh: Ngọc Hùng.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện đã xây dựng phương án và lộ trình giảm đối với 207 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh. Cụ thể năm 2025 là 44 người, năm 2026 là 39 người, năm 2027 là 42 người, năm 2028 và 2029, mỗi năm 41 người.
Đối với 799 cán bộ, công chức dôi dư cấp xã cũng tiến hành sắp xếp theo lộ trình 5 năm. Năm 2025 giảm 297 người, năm 2026 là 129 người, năm 2027 là 111 người, năm 2028 là 119 người và năm 2029 là 143 người.
Tinh giản hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức sẽ được áp dụng theo các hình thức như nghỉ hưu đúng độ tuổi; nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP; Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; chuyển việc khác, hoặc đơn vị khác khi còn thiếu biên chế.
“Đây là lộ trình và phương án được thống kê, phân tích cụ thể trong quá trình xây dựng đề án trên cơ sở đề xuất của các đơn vị liên quan. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dựa theo tình hình thực tiễn hàng năm sẽ tiến hành điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp nhưng phải đảm bảo giải quyết trong vòng 5 năm”, ông Nguyễn Viết Hưng nhấn mạnh.