| Hotline: 0983.970.780

Mùa nắng nóng, đề phòng bệnh viêm màng não

Thứ Bảy 08/05/2021 , 08:39 (GMT+7)

Bệnh viêm màng não xuất hiện quanh năm, tuy nhiên có xu hướng tăng lên vào mùa nắng nóng. Đây là bệnh nguy hiểm, để lại di chứng lâu dài, thậm chí tử vong.

Thời gian qua, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do bệnh viêm màng não. Các ca bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác từ giữa tháng 2 đến nay và số bệnh nhân bị viêm màng não nhập viện tăng cao so với cùng kỳ các năm. Hầu hết các bệnh nhân nhập viện với biểu hiện sốt, đau đầu, nôn, mệt mỏi, có những rối loạn về tâm thần như lo lắng, kích thích.

Viêm màng não có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên thường gặp nhất là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Nếu không được điều trị sớm, tình trạng này có thể gây nhiễm trùng máu và gây tổn thương vĩnh viễn cho não hay dây thần kinh, thậm chí tử vong.

Viêm màng não thường có những triệu chứng sốt, đau đầu, nôn, mệt mỏi, có những rối loạn về tâm thần như lo lắng, kích thích. Ảnh minh họa.

Viêm màng não thường có những triệu chứng sốt, đau đầu, nôn, mệt mỏi, có những rối loạn về tâm thần như lo lắng, kích thích. Ảnh minh họa.

Cần nhận biết đúng và sớm các triệu chứng bệnh viêm màng não

Các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm màng não có thể giống như bệnh cúm. Triệu chứng có thể phát triển trong vài giờ hoặc vài ngày. Vì vậy, người nhà cần để ý, nhận biết sớm triệu chứng của viêm màng não, tránh nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác. 

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não thường là: Sốt cao đột ngột; Cứng cổ; Đau đầu dữ dội, khác với cơn đau đầu bình thường; Buồn nôn hoặc nôn; Trí óc không minh mẫn, khó tập trung; Co giật như lên cơn động kinh; Buồn ngủ hoặc khó khăn khi thức dậy; Nhạy cảm với ánh sáng; Không có cảm giác thèm ăn hay khát nước; Phát ban trên da (trong một số trường hợp, như khi bị viêm màng não mô cầu).

Ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi có thể có những dấu hiệu sau: Sốt cao; Quấy khóc liên tục; Buồn ngủ hoặc khó chịu quá mức; Trạng thái lờ đờ, uể oải, chậm chạp; Chán bú, bỏ bú hoặc chán ăn; Thóp trên đầu của trẻ có chỗ phình ra. Những trẻ sơ sinh mắc viêm màng não có thể quấy khóc nhiều và rất khó dỗ nín, thậm chí trẻ còn khóc nhiều hơn khi được bế lên.

Các triệu chứng trên có thể không xảy ra cùng một lúc. Hơn nữa, không phải tất cả người bệnh đều có những biểu hiện này. Do đó, khi nhận thấy bản thân hay người nhà có các dấu hiệu viêm màng não, hãy đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, hoặc cho trẻ uống các loại lá. Nếu trì hoãn và chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh do bệnh được điều trị muộn. 

Bệnh nhân được chọc dịch não tủy xét nghiệm bệnh viêm màng não. Ảnh minh họa.

Bệnh nhân được chọc dịch não tủy xét nghiệm bệnh viêm màng não. Ảnh minh họa.

Bệnh viêm màng não do nhiều nguyên nhân 

Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này, tiếp đến là do nhiễm vi khuẩn. Nhiễm nấm cũng có khả năng gây ra viêm nhưng hiếm gặp. Trong đó, tình trạng nguy hiểm nhất là viêm màng não do vi khuẩn nên cần phải xác định rõ ràng nguyên nhân trước khi điều trị.

Viêm màng não do virus thường nhẹ và có thể tự phục hồi mà không cần điều trị. Các nhóm virus có khả năng gây viêm ở màng não gồm enterovirus (các virus đường ruột có thể lây truyền qua đường phân – miệng), virus herpes, HIV, virus quai bị, cúm, virus West Nile… Tuy tác nhân virus gây viêm không nghiêm trọng như vi khuẩn nhưng cũng cần phải đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ. Trẻ sơ sinh  dưới 1 tháng tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu khi bị viêm màng não do virus thường sẽ nặng hơn.

Viêm màng não do vi khuẩn: Vi khuẩn khi xâm nhập vào máu và di chuyển lên não bộ và tủy sống có thể gây viêm màng não cấp. Tình trạng này cũng có khi xảy ra khi vi khuẩn tấn công trực tiếp vào các lớp màng não. Những chủng vi khuẩn phổ biến gây viêm màng não cấp là: Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Neisseria meningitidis (não mô cầu), Haemophilus influenza tuýp B (vi khuẩn Hib), Listeria monocytogenes.

Viêm màng não do nấm tương đối ít gặp và thường gây viêm mạn tính. Các triệu chứng cũng tương tự như viêm cấp nhưng kéo dài hơn. Tác nhân gây viêm này không lây lan từ người sang người.

Viêm màng não cũng có khi xảy ra do nhiễm ký sinh trùng hoặc những nguyên nhân không lây nhiễm khác, như do các phản ứng hóa học, dị ứng thuốc, mắc phải một số loại ung thư …

Một điều vô cùng quan trọng để phòng bệnh viêm màng não đó là tiêm phòng vaccine. Ảnh minh họa.

Một điều vô cùng quan trọng để phòng bệnh viêm màng não đó là tiêm phòng vaccine. Ảnh minh họa.

Phòng ngừa viêm màng não

Virus và vi khuẩn gây bệnh viêm màng não có thể lây lan từ người sang người qua các giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc các tiếp xúc gần như hôn, dùng chung dụng cụ ăn uống, đồ vệ sinh cá nhân. Do đó, người dân phòng ngừa các tác nhân gây bệnh bằng các biện pháp như sau:

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, đúng cách với xà phòng. Súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Không dùng chung đồ dùng với người khác, không chia sẻ đồ dùng cá nhân.

Giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, tập luyện thể dục thường và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.

Che miệng khi ho, hắt hơi. Đeo khẩu trang nơi công cộng.

Giữ khoảng cách với những người bị bệnh. Các vi khuẩn tìm thấy trong dịch tiết mũi và cổ họng cũng có thể lây lan qua ho và hắt hơi. Bạn có thể bị viêm màng não nếu tiếp xúc trực tiếp với những chất tiết này.

Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt bọ gậy để muỗi không có điều kiện sinh sôi. Nằm màn khi ngủ, ngoài ra cần phun thuốc diệt muỗi.

Một điều vô cùng quan trọng để phòng viêm màng não đó là tiêm phòng vaccine. Tại Việt Nam hiện có vaccine phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn và mô cầu các nhóm. Cha mẹ cần chú ý theo dõi và lưu lại việc chủng ngừa của con để đảm bảo trẻ được tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ.

Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng,… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Văn hóa doanh nhân không thể chấp nhận các kiểu khôn vặt

Văn hóa doanh nhân ngày càng được xem trọng trong đời sống xã hội, vì quan hệ giữa người bán và người mua luôn ràng buộc lợi ích và trách nhiệm với nhau.

Phút giây lạc lòng giữa những chuyến hoạt động từ thiện

Phút giây lạc lòng đôi khi chỉ mang tính gặp gỡ tình cờ, nằm ngoài khả năng kiểm soát của cá nhân, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.