Ứng phó hiệu quả nhiều đợt xâm nhập mặn
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, hiện ĐBSCL đã bước qua cao điểm mùa khô hạn của năm. Trong giai đoạn từ tháng 12/2024 đến giữa tháng 3/2025, đã xuất hiện 5 đợt triều cường, làm nước biển dâng cao, đẩy nước mặn theo các tuyến kênh, rạch lấn sâu vào nội đồng. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL cao nhất từ đầu mùa khô tại các cửa sông Cửu Long xuất hiện trong kỳ triều cường cuối tháng 2/2025, đầu tháng 3/2025 (từ ngày 25/2-4/3), với ranh mặn 4 phần nghìn lấn sâu vào các cửa sông từ 42-60km.
Trên sông Hậu, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ ngày 14/12/2024 (xấp xỉ với mùa khô 2023-2024) và tăng cao vào các kỳ triều cao trong các tháng tiếp theo. Ranh mặn 4 nghìn xâm nhập sâu nhất tới 53km (xảy ra vào ngày 25/2), so với trung bình nhiều năm cao hơn 4km.
Trên sông Cái Lớn, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ ngày 24/1, sau đó tăng cao đến đầu tháng 2/2025, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu nhất ở mức 46km (xảy ra ngày 29/1). Đây cũng là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay.

Từ đầu mùa khô đến ngày 25/3, cống Cái Lớn đã có 5 đợt vận hành đóng các cửa cống để ngăn triều cường, với tổng thời gian 21 ngày, giúp điều tiết nguồn nước phục vụ hiệu quả sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam cho biết, để ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025, từ tháng 1/2024 cho đến 25/3, đơn vị đã vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô 5 đợt (tương ứng với 5 kỳ triều cường), với tổng thời gian 21 ngày vận hành đóng các cửa cống điều tiết nguồn nước. Cống âu thuyền Ninh Quới (tỉnh Bạc Liêu) từ đầu mùa khô đến nay đã được vận hành 40 ngày. Bắt đầu từ ngày 2/2/2025, khi diễn biến mặn trên trục Quản Lộ - Phụng Hiệp có xu hướng tăng, cống âu thuyền Ninh Quới đã được vận hành kiểm soát mặn cho đến nay.
Cùng với đó, công ty đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Thủy lợi của các địa phương xây dựng và ban hành 13 kế hoạch vận hành các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL do công ty được giao quản lý, khai thác. Đồng thời, theo thực tế diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, tiến độ sản xuất trong vùng dự án, các công trình thủy lợi đã được vận hành kiểm soát nguồn nước hiệu quả.

Tỉnh Kiên Giang phối hợp vận hành cống âu thuyền Vàm Bà Lịch thuộc cụm cống Châu Thành trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, ngăn các đợt triều cường đẩy mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Ảnh: Trọng Linh.
Tại Hội nghị, đại diện Chi cục Thủy lợi các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng đều đánh giá công tác vận hành công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả, bảo vệ tốt sản xuất.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, ngoài hưởng lợi từ công trình thủy lợi liên tỉnh do Bộ đầu tư, đơn vị còn phối hợp vận hành các cống thuộc cụm Châu Thành trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, nhất là cống âu thuyền Vàm Bà Lịch. Qua đó, đã góp phần phòng, chống xâm nhập mặn hiệu quả.
Từ đầu mùa khô 2024-2025 cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chưa ghi nhận thiệt hại do hạn, mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp. Tình hình nguồn nước cung cấp đầu vào cho các nhà máy nước, các trạm cấp nước nông thôn và hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn được đảm bảo.
Bảo vệ an toàn cho sản xuất
Theo báo cáo của các địa phương nằm trong vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, gồm Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng, diện tích sản xuất lúa trong mùa khô 2024-2025 (gồm vụ mùa và vụ đông xuân) lên đến hơn 341.000 ha.

Nhờ vận hành hiệu quả các công trình kiểm soát mặt, ngọt, hàng trăm ngàn hecta sản xuất lúa trong vùng hưởng lợi đã được bảo vệ an toàn khỏi hạn, mặn xâm nhập và đã được cho thu hoạch. Ảnh: Trung Chánh.
Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng Công trình Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong đánh giá cao kết quả vận hành các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh, công tác phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố công trình thủy lợi mùa khô năm 2024-2025.
Việc phối hợp vận hành các hệ thống công trình, nhất là các công trình có tính chất liên hệ thống, đã được đơn vị quản lý vận hành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, giúp kiểm soát, điều tiết nguồn nước hiệu quả, hỗ trợ cấp nước cho các tiểu vùng sản xuất với nhu cầu nước ngọt hoặc luân phiên ngọt - lợ, lợ - mặn.
Cục trưởng Nguyễn Tùng Phong chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi cần theo dõi chặt chẽ công tác dự báo, cảnh báo diễn biến khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn, diễn biến nguồn nước của các cơ quan chuyên môn để xây dựng kế hoạch vận hành mang lại hiệu quả cao.
Các địa phương cần triển khai cả giải pháp công trình và phi công trình, xây dựng khung lịch thời vụ sát với tình hình thực tế, chủ động trong công tác lấy nước, trữ nước, sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Đến thời điểm này, các địa phương ĐBSCL đã vượt qua đỉnh điểm của mùa khô hạn, xâm nhập mặn, không ghi nhận thiệt hại và đã cơ bản tích trữ đủ lượng nước ngọt trong hệ thống kênh, mương, đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh cho đến hết mùa khô.