| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 25/12/2023 , 16:47 (GMT+7)

Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2

Thứ Hai 25/12/2023 , 16:47 (GMT+7)

Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.

Công tác tín ngưỡng tôn giáo

Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN) 25/12/2023 16:47

Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo Tăng đoàn, học giả và hành giả Phật Pháp Việt Nam, Lào và Campuchia tham dự Hội nghị.

Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo Tăng đoàn, học giả và hành giả Phật Pháp từ Việt Nam, Lào và Campuchia đối thoại và hợp tác, thúc đẩy sự hiểu biết sâu hơn về các giá trị và nguyên tắc Phật giáo chung. Đồng thời đánh dấu cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa ba quốc gia có chung di sản Phật giáo phong phú.

Chú thích ảnh
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phái biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: Trong nhiều thế kỷ, sông Mê Kông đóng vai trò huyết mạch, không chỉ cho vùng đất mà còn cho tinh thần chung của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đan xen vào dòng chảy đó là những "sợi chỉ" về di sản Phật giáo chung - một "tấm thảm thêu" về lòng từ bi, bất bạo động và quản lý môi trường; gắn kết cộng đồng Phật giáo 3 nước với nhau trong tình huynh đệ tâm linh sâu sắc.

Tuy nhiên, sông Mê Kông hiện phải đối mặt với nhiều thách thức suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội đe dọa đến cơ cấu cuộc sống. “Do vậy, các Tăng đoàn và cộng đồng Phật tử phải sát cánh cùng nhau tạo ra sự thay đổi tích cực; đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai không chỉ là lễ kỷ niệm mà là lời kêu gọi hành động, hợp tác bền vững”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh.

Để lan tỏa và làm sâu sắc thêm tinh thần hợp tác, biến lời hứa của Hội nghị thành những lợi ích hữu hình cho người dân và sự phát triển liên tục của Phật giáo Việt Nam, Lào, Campuchia, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh việc quan hệ đối tác học thuật mở rộng, bảo vệ môi trường, trao đổi văn hóa, nuôi dưỡng đối thoại liên văn hóa, giá trị thách thức được chia sẻ.

Hội nghị lần này sẽ là động lực để chuyển thành hiện thực chứ không chỉ là ký ức đơn thuần. Hãy biến ngọn lửa nhỏ của niềm hy vọng thành ngọn lửa của sự đoàn kết, lòng từ bi và sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy - một di sản cho thế hệ mai sau”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn kêu gọi.

Cùng quan điểm, Hòa thượng Vong Kim Sorn, Chủ tịch Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Phật giáo Tối cao, Vương quốc Campuchia cũng kêu gọi tăng cường liên kết hợp tác Phật giáo giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia; chia sẻ mối liên hệ lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia; đồng thời khẳng định cội nguồn chung này là minh chứng cho các mối liên hệ đã hình thành nên cảnh quan văn hóa của chung cần phải tiếp tục phát triển, mở đường cho tương lai hợp tác Phật giáo Đông Nam Á sôi động hơn.

Để tăng cường sự hợp tác giữa các bên, Hòa thượng Vong Kim Sorn đề xuất ba trụ cột quan trọng gồm: giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo có vai trò là nền tảng, để tạo dựng những mối liên kết mới, nuôi dưỡng lòng nhân ái và tôn vinh sự liên kết giữa các truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa.

Chú thích ảnh
Hoà thượng Mahabounma Simmaphom, Chủ tịch Tổ chức Phật giáo Trung ương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phái biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, Hòa thượng Mahabounma Simmaphom, Chủ tịch Tổ chức Phật giáo Trung ương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chia sẻ nhiều thông tin về Phật giáo Lào, việc tái kết nối xuyên sông Mê Kông; tạo dựng những mối liên kết mới trong giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo và chia sẻ thành quả của di sản đang nở rộ. Đồng thời, tin tưởng Hội nghị lãnh đạo Phật giáo lần này là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng những hạt giống hợp tác đổi mới và chia sẻ trí tuệ trên tinh thần kết nối vùng Mê Kông: Đổi mới quan hệ Phật giáo Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chúc mừng hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chia sẻ, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, gắn bó từ lâu đời giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia ngày càng được tăng cường và mở rộng; khẳng định sự gần gũi về địa lý cùng nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, đặc biệt là giá trị đạo đức Phật giáo tạo nên nền tảng vững chắc để vun đắp, phát triển mối quan hệ có truyền thống đặc biệt lâu đời của nhân dân 3 nước tại khu vực Đông Nam Á.

“Chúng ta có quyền tin tưởng trong lịch sử, hiện tại và tương lai, Phật giáo ba nước đã, đang và sẽ tiếp tục có vai trò và ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, tình cảm, văn hóa, đạo đức của người dân. Vì lợi ích, hòa bình, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng vào việc hình thành và tạo dựng một xã hội tốt đẹp, góp phần cùng nhà nước và nhân dân 3 nước xây dựng đời sống ổn định, đất nước phát triển bền vững”, ông Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Vũ Chiến Thắng phái biểu tại Hội nghị.

Ông Vũ Chiến Thắng tin tưởng, hội nghị là thông điệp hết sức có ý nghĩa kể cả về tôn giáo và xã hội, nhất là việc tăng cường mối quan hệ hợp tác kết nối các quốc gia, nuôi dưỡng lòng nhân ái, trí tuệ và phát triển bền vững trên tinh thần hợp tác hữu nghị, phối hợp chặt chẽ trong công tác Phật sự, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục Phật giáo, từ thiện xã hội, các phật sự cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ trong Phật sự... Điều này, có thể đáp ứng nhu cầu xã hội và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn nạn toàn cầu đang phải đối diện như: khủng hoảng niềm tin, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột, nghèo đói, sự xâm thực xói mòn về văn hóa, đạo đức, truyền thống phương đông... đem lại đời sống an lạc, hòa bình thịnh vượng cho khu vực và trên thế giới.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu, Tăng đoàn, học giả và hành giả Phật Pháp Việt Nam, Lào và Campuchia đã trao đổi, thảo luận, nêu bật vai trò của Phật giáo trong việc thúc đẩy hòa bình, hòa hợp và bảo vệ môi trường trong khu vực; nhấn mạnh sự cam kết của 3 quốc gia trong việc cùng nhau thúc đẩy ứng dụng các nguyên lý Phật giáo vì sự phát triển của xã hội và thế giới. Các đại biểu cũng bàn thảo phát huy các giá trị chung; cùng nhau thực hiện các sáng kiến phù hợp với các nguyên tắc Phật giáo như từ bi, bất bạo động và quản lý môi trường, không phân biệt đối xử, đưa ra con đường hướng tới việc thu hẹp sự chia rẽ và thúc đẩy sự hòa hợp, phản ánh các giá trị quan trọng cho xã hội thịnh vượng và hòa nhập.

Các diễn đàn, hội thảo với chủ đề chính “Quan điểm của Phật giáo về Quản lý Môi trường: Nuôi dưỡng một thế giới bền vững”; “sự kết nối nhau và công bằng môi trường”; “Đạo đức Phật giáo và cuộc sống bền vững”; “Chánh niệm và đạo đức sinh thái”; “Tiêu dùng có chánh niệm và môi trường”; “Giáo dục và nhận thức về môi trường”; “Trí tuệ và chủ nghĩa môi trường Phật giáo”… cũng được diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Hội nghị kéo dài đến hết ngày 27/12 tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh và Samten Hills, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, kết thúc bằng khóa lễ cầu nguyện hòa bình thế giới.

  • Bắc Kạn: Hàng vạn du khách dự Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể

    (TN&MT) - Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, người dân Ba Bể lại tổ chức lễ hội để cầu chúc cho một năm mới có nhiều may mắn. Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể là lễ “xuống đồng” lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Chính hội vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.

  • Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt

    Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.

  • Lễ “Bun huột nặm” của người Lào ở Điện Biên

    (TN&MT) - Tỉnh Điện Biên rất nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Lào có khoảng hơn 4.000 người. “Bun huột nặm” là tiếng gốc Lào – dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Tết té nước. Đây là lễ hội đặc trưng của dân tộc Lào, để chào đón năm mới theo phật lịch.

  • Tín ngưỡng thờ nước ở vùng đồng bằng sông Hồng

    (TN&MT) - Định cư quần tụ dọc theo hàng chục con sông lớn nhỏ từ ngàn năm nay, cộng đồng cư dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn luôn gìn giữ tín ngưỡng thờ nước và nghi lễ thỉnh nước trong các lễ hội dân gian.

  • Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường

    Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.

  • Chuẩn hóa lễ hội truyền thống

    (TN&MT) - Được xem là bảo tàng “sống” về văn hoá của các dân tộc đã được lưu truyền qua nhiều thế kỷ, lễ hội truyền thống đang đứng trước nhiều nguy cơ bởi tác động của xu thế hội nhập, “thương mại hóa”, “nhất thể hóa”, “đơn điệu hóa”… Trong bối cảnh đó, Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống (Bộ tiêu chí) được ban hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ hài hòa giữa yếu tố bảo tồn và phát triển, mà còn đảm bảo sự sống còn của những giá trị văn hóa truyền thống.

  • Góc nhìn của Phật giáo trong bảo vệ môi trường

    (TN&MT) - Trong giáo lý nhà Phật, môi trường được coi là một trong những yếu tố quan trọng để che chở, bao bọc cho sự sống con người. Với triết lý từ bi hỷ xả, Phật giáo mang đến thông điệp con người không nên gây tổn hại đến bất cứ điều gì, kể cả môi trường.

  • “Chuyển biến xanh” tại các lễ hội ở Lào Cai

    (TN&MT) - Tuyên truyền người dân và du khách ý thức hơn trong việc xả rác, đặt thêm các thùng rác, dọn dẹp vệ sinh trước, trong và sau các Lễ hội, thành lập các tổ kiểm tra nhắc nhở ý thức bảo vệ môi trường - đó là những hành động thiết thực của cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai để nâng cao ý thức của nhân dân và du khách về bảo vệ môi trường tại các lễ hội trên địa bàn.

  • Sơn La: Quan tâm bảo vệ môi trường các lễ hội

    (TN&MT) - Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sơn La hội tụ 12 dân tộc anh em với kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng độc đáo của từng dân tộc, đã tạo nên bức tranh văn hoá đa dạng, phong phú, cùng hệ thống lễ hội đa sắc thái. Quan tâm phát triển lễ hội gắn với bảo vệ môi trường là những mục tiêu trọng tâm đang được địa phương chú trọng triển khai.

  • Luật hóa quy định quản lý môi trường lễ hội

    (TN&MT) - Bảo vệ môi trường được xem là một trong các tiêu chí đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Nhiều văn bản pháp luật đã quy định rõ về trách nhiệm, hướng dẫn việc quản lý môi trường, để hướng đến những “lễ hội xanh”.

  • Xanh - sạch - đẹp tại các lễ hội truyền thống dân tộc, tôn giáo

    (TN&MT)- Trong thời gian qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp tại các lễ hội truyền thống dân tộc, tôn giáo diễn ra hàng năm.

Xem thêm

Đọc nhiều nhất