| Hotline: 0983.970.780

Hành trình từ đất dốc đến những mùa quả ngọt: [Bài 2] 'Cây đổi đời' của người Mai Sơn

Thứ Tư 07/05/2025 , 08:42 (GMT+7)

SƠN LA Diện tích và sản lượng cây na trên đất Mai Sơn đã tăng gần gấp đôi sau 6 năm, từ hơn 400ha nay đã gần 800ha.

Khi đất đã nở hoa, yêu cầu đặt cho nông dân là phải hướng tới giá trị bền vững, tạo ra chất lượng sản phẩm tốt, an toàn, có đầu ra ổn định. Nông dân Sơn La đang học cách làm nông thời 4.0, nơi mỗi gốc cây là một mắt xích trong chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Hành trình bén rễ

Cây na gắn bó với người dân Mai Sơn (tỉnh Sơn La) từ những năm 1990 cùng với cây cà phê, ngô, sắn. Quả na thời đó không thể sánh được với bao ngô, bao sắn nên chưa được chú trọng. Chỉ có một vài hộ vẫn kiên trì với cây na, bắt đầu từ vài gốc, đến vài vườn, nỗ lực định vị cây trồng này trên bản đồ cây ăn quả của tỉnh.

Anh Trần Ngọc Bằng (bên trái), Giám đốc Hợp tác xã OhayO - một trong những người tiên phong phát triển trồng na công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Nga.

Anh Trần Ngọc Bằng (bên trái), Giám đốc Hợp tác xã OhayO - một trong những người tiên phong phát triển trồng na công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Nga.

Bài liên quan

Anh Trần Ngọc Bằng, Giám đốc Hợp tác xã OhayO (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) là một trong những người tiên phong phát triển vùng trồng na công nghệ cao, sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP. Ở tuổi gần 40, anh mang dáng vẻ điển hình của nông dân vùng cao, làn da ngăm sạm vì nắng gió, khuôn mặt rám nắng, nhưng ánh mắt luôn toát lên sự kiên định và từng trải.

Năm 2012, được một người anh giới thiệu, chàng thanh niên tuổi đôi mươi bắt đầu bén duyên với cây na - thời điểm mà cả vùng rẻo cao này số người trồng na vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, càng không ai nghĩ loại quả với mẫu mã xù xì ấy sẽ trở thành “cây đổi đời”. Nhưng anh tin rằng nếu kiên trì, có cách làm bài bản, cây na sẽ có “đất diễn” riêng.

Na bản địa gồm giống na dai và na bở. Gần như 90% diện tích na của bà con là na dai vì dễ tiêu thụ hơn. Tuy nhiên do kỹ thuật chưa hoàn thiện nên năng suất không cao. Năm 2015, trung bình na dai chỉ đạt năng suất từ 10 - 12 tấn/ha. Quãng thời gian đó, đích thân anh Bằng đóng từng thùng xốp chở na lên thành phố Sơn La bán, là tay quen mặt ở khắp các chợ dân sinh. Dân chưa trồng nhiều, thương lái cũng chưa quen tiêu thụ quả na nên phải mất hai năm ròng rã anh Bằng mới bắt đầu xây dựng được mối.

Vườn na của anh Bằng đã lắp đặt hệ thống tưới tự động. Ảnh: Nguyễn Nga.

Vườn na của anh Bằng đã lắp đặt hệ thống tưới tự động. Ảnh: Nguyễn Nga.

Từ năm 2016, anh mạnh dạn nhập giống na Thái từ miền Nam về trồng thử nghiệm. Thế nhưng do kỹ thuật canh tác không nắm rõ nên quả na chất lượng ra không đều, thịt bị sạn, khó bán. Nhưng vị Giám đốc Hợp tác xã OhayO vẫn kiên trì chăm sóc, thử nghiệm nhiều phương pháp chăm sóc như sử dụng phân chuồng, cải tạo đất, cắt tỉa cành... Sau hai năm, cây na Thái mới thật sự bén rễ ở đất Mai Sơn. Cây khỏe, ít sâu bệnh, cho quả to, đều, thơm ngọt, mẫu mã đẹp, năng suất đạt trung bình 20 - 25 tấn/ha nếu chăm tốt.

Khi anh Bằng thành công với cây na, nhiều bà con bắt đầu học hỏi để làm theo. Có hộ trước trồng ngô, mía, nay chặt bỏ để trồng na. Anh Bằng vận động anh em thân quen cùng thành lập hợp tác xã, ban đầu chỉ có 6 - 7 hộ, sau mở rộng ra 17 thành viên và nhiều thành viên liên kết với tổng diện tích khoảng 40ha, trong đó 30ha đã cho thu hoạch ổn định.

Khẳng định giá trị

Cây na Thái đã thực sự tạo ra làn sóng chuyển đổi lớn ở Mai Sơn. Cây khỏe, dễ trồng, chỉ vất vả nhất là công đoạn thụ phấn nhưng giờ đây đã có quy trình bài bản. Na Thái cho năng suất và giá trị gấp đôi na dai truyền thống.

Nhưng chính sự phát triển quá nhanh, thiếu kiểm soát lại khiến sản phẩm rơi vào vòng “vàng thau lẫn lộn”. Chất lượng quả và mẫu mã không đồng đều, người trồng giỏi không được ghi nhận, người làm chưa tốt lại kéo mặt bằng giá xuống.

Cây na khoác màu xanh lên khắp bản làng ở Mai Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây na khoác màu xanh lên khắp bản làng ở Mai Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Giá na năm cao nhất lên đến 60.000 đồng/kg thì nay giảm dần xuống còn 45.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ 35.000 đồng/kg. Cả vùng gần như không có kênh phân phối ổn định nào khác ngoài chợ đầu mối. Mỗi vụ thu hoạch, bà con phải chờ thương lái đến tận vườn đặt giá. Họ nói bao nhiêu biết bấy nhiêu. Không ai tính được chi phí sản xuất một quả na là bao nhiêu, lời lãi ra sao. “Mình đẻ con mà không được đặt tên cho con, cái cảm giác ấy nó vừa đau, vừa xót", anh Bằng bộc bạch.

Để thay đổi, anh Bằng và các thành viên trong Hợp tác xã đang xây dựng lại quy trình kỹ thuật chuẩn, từ giống, cách ghép mắt, kỹ thuật thụ phấn, cắt tỉa đến bảo quản sau thu hoạch. Mỗi nhà vườn phải cam kết tuân thủ theo đúng quy trình chung. Có như vậy mới tạo được lô hàng đồng đều để khẳng định được giá trị.

Anh Bằng chỉ ra 3 điều “cần” quan trọng nhất: Cần chọn lọc mắt ghép ở những vườn chuẩn, cần bón phân đúng lượng và thời điểm, cần thụ phấn đủ.

Một vườn na có thể phân loại ra hàng cao cấp dùng làm quà biếu, hàng phổ thông bán tươi. Duy trì lối đi riêng, Hợp tác xã đang chú trọng sản xuất và thương mại các dòng sản phẩm quà biếu, na “VIP”.

Mai Sơn hiện là vùng trồng na lớn nhất tỉnh Sơn La với khoảng 500ha đang cho thu hoạch ổn định. Ảnh: Tùng Đinh.

Mai Sơn hiện là vùng trồng na lớn nhất tỉnh Sơn La với khoảng 500ha đang cho thu hoạch ổn định. Ảnh: Tùng Đinh.

Trái ngọt từ liên kết bền vững

Mai Sơn hôm nay có thể tự hào là một trong những vùng trồng na lớn nhất tỉnh. Song người dân nơi đây không có ngày nào cho mình “nghỉ phép”, họ chăm bẵm từng gốc na thật tỉ mỉ, ai cũng muốn trở thành người giỏi nhất. Họ biết ơn chúng, bởi những gốc na ấy đã “gánh” hơn một thập kỳ nghèo đói của bản làng.

Nhưng còn đó những bài toán về giá trị nông sản cần lời giải. Năm 2018, nhãn hiệu “Na Mai Sơn” ra đời, là bước ngoặt lớn để các hộ dân nơi đây cùng nhau vun đắp, xây dựng giá trị không chỉ cho bản thân mà còn là đặc sản riêng của vùng.

Để thành công ấy bền vững, không chỉ cần từng hộ làm tốt mà cần sự liên kết bền chặt giữa nông dân - hợp tác xã - chính quyền - doanh nghiệp, cùng hướng đến mục tiêu chung tạo dựng thương hiệu na Mai Sơn có quy trình sản xuất rõ ràng, có sức cạnh tranh, có tên tuổi và vị thế trên thị trường.

Na Mai Sơn đã thật sự trở thành loại 'cây đổi đời' cho người dân Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.

Na Mai Sơn đã thật sự trở thành loại "cây đổi đời" cho người dân Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.

Từ những mắt ghép nhỏ trên đất dốc năm nào đến những vườn cây mang theo khát vọng vươn xa, nông dân Sơn La đã và đang cho thấy sự đổi thay trong tư duy, cách làm và ý chí làm giàu bền vững. Và khi từng cá nhân, từng hợp tác xã đã đổi thay, điều tiếp theo cần đến là một tầm nhìn, một chiến lược phát triển nông sản quy mô vùng, có định hướng, liên kết và thị trường dài hạn.   

Diện tích và sản lượng cây na trên đất Mai Sơn đã tăng gần gấp đôi sau 6 năm, từ hơn 400ha nay đã gần 800ha, với khoảng 500ha đang cho thu hoạch ổn định. Trong 5 năm trở lại đây, các hộ trồng na đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Xem thêm
Nuôi cầy hương nếu chủ quan rất dễ trắng tay

Việc chăm sóc cầy hương không khó, nhưng nếu người nuôi không có niềm say mê, kiến thức, thậm chí chỉ cần lơ là, chủ quan là rất dễ trắng tay.

Tỷ lệ phủ vacxin đàn vật nuôi tối thiểu 80% mới phát huy hiệu quả

An Giang đang tăng cường giám sát dịch bệnh, khẩn trương tiêm phòng bệnh nguy hiểm, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được vacxin bảo vệ.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

‘Cha đẻ’ của những giống cà phê chủ lực

Trải qua hơn 40 năm nghiên cứu, WASI đã chọn tạo ra nhiều giống cà phê chủ lực phục vụ trồng và tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 3] Tiền đề phát triển bền vững

Thông qua các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, vùng nuôi trồng thủy sản tại các địa phương đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân.

Xanh lại những rừng lim xanh

THANH HÓA Dự án JICA2 đã trồng 591ha cây lim xanh, góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.