
Sức hút của thành phố có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế (năm 1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh (2024), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016) và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017) khiến du khách không thể không chọn Huế làm điểm du lịch vào các dịp lễ.

Các điểm di tích ở Huế là nơi thu hút nhiều nhất du khách trong dịp lễ này. Riêng trong ngày 30/4 đã đón 18.796 lượt.

Dù thời tiết nắng trên 30 độ C nhưng hàng ngàn du khách vẫn xếp hàng vào tham quan Đại nội Huế.

Điện Thái Hòa, Điện Kiến Trung… là những nơi được du khách lựa chọn đến chụp hình.

Dịp lễ này, TP Huế tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động như: Chương trình Huế - Kinh đô ẩm thực, “Chợ quê ngày hội”, mở cửa một số khu vực Đại nội về đêm… càng tăng sức hút.

Cầu Nguyễn Hoàng vừa đưa vào sử dụng cũng là một địa điểm thu hút nhiều người về đêm. Cầu có dạng vòm thép, dài 380m, rộng 43m, 5 nhịp dầm, 6 làn xe, làn đi bộ rộng 3m; có 60 cột đèn trang trí như những chiếc “lọng che vua” ngày xưa; nằm trong dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương với tổng mức đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng. Cây cầu tạo điểm nhấn về cảnh quan, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc, phát triển du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh.

Để tránh xá sự ồn ào, náo nhiệt của trung tâm thành phố, các điểm du lịch sinh thái cũng rất đông khách đến ăn uống, nghỉ ngơi.

Trong ảnh là Khu du lịch Bạch Mã Village (huyện Phú Lộc). Đây là điểm suối thác nổi bật được đông đảo du khách chọn lựa khi đến Huế.

Dịp này, để kiểm soát tình trạng “chặt chém”, ngành du lịch TP Huế đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể như: Triển khai đến các đơn vị kinh doanh du lịch về việc đảm bảo an ninh an toàn và chất lượng dịch vụ; đăng ký giá, niêm yết công khai giá và bán đúng giá niêm yết; chấp hành các quy định về bảo vệ trật tự xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra liên ngành trước và trong dịp lễ tại đơn vị kinh doanh du lịch (cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, điểm tham quan, phương tiện vận chuyển du khách...) về việc đảm bảo an ninh an toàn và chất lượng dịch vụ, giá cả.

Du khách chăm chú khi tham quan các điểm di tích trong Đại nội Huế.

Theo Sở Du lịch TP Huế, trong dịp đại lễ 30/4 - 1/5, dự kiến sẽ đón khoảng 300.000 lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước tính khoảng trên 600 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Hoài Trâm - Giám đốc Sở Du lịch TP Huế - cho biết, nhằm phục vụ người dân và du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025 một cách chu đáo và an toàn, ngành du lịch Huế đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và kế hoạch kích cầu du lịch trong năm, như: Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát giá cả dịch vụ, cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí… hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân và du khách.

“Ngoài ra, để đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, các khu/điểm du lịch trên địa bàn chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức đón khách du lịch dịp nghỉ lễ như: Nâng cao chất lượng các dịch vụ, cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch, chuẩn bị nhân lực, vật lực đầy đủ và chuyên nghiệp sẵn sàng phục vụ đón khách đến Huế. Đặc biệt, chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho du khách về phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông, hỗ trợ thông tin”, bà Trâm chia sẻ.

Năm nay, ngành du lịch Huế dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, khi Huế đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2025. Tổng lượt khách từ đầu năm đến nay lên hơn 2 triệu lượt (tăng gần 63%). Doanh thu du lịch đạt 3.650 tỷ đồng, tăng 41%.