Đoàn công tác số 1 do ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn của EVNNPT, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 - Nguyễn Phúc An ứng trực tại Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.

Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú (Đứng thứ 2 bên phải) kiểm tra và nghe báo cáo công tác vận hành tại TBA 500kV Quảng Ninh. Ảnh: EVNNPT.
Đoàn công tác thứ 2 do ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn của EVNNPT, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 - Hoàng Xuân Khôi ứng trực tại Ninh Bình và Hưng Yên.
Việc phân công 2 đoàn công tác để ứng trực và chỉ huy tại chỗ nhằm xử lý nhanh chóng kịp thời nếu mưa bão tác động đến lưới điện truyền tải.

Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú nghe lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1 báo cáo nhanh về công tác ứng phó bão số 3. Ảnh: EVNNPT.
Theo báo cáo của các đơn vị, tính đến chiều tối ngày 20/7/2025, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 đã được các đơn vị hoàn thành. Hiện nay, toàn bộ 100% quân số của đội đường dây và trạm biến áp ứng trực tại trụ sở đơn vị để sẵn sàng ứng phó khi có lệnh khẩn cấp.

Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến kiểm tra, nghe báo cáo nhanh công tác ứng phó bão số 3 tại Đội Truyền tải điện Ninh Bình. Ảnh: EVNNPT.
Tại buổi kiểm tra sáng ngày 21/7, lãnh đạo EVNNPT cho biết báo số 3 dự báo là cơn bão mạnh, hướng đi phức tạp, yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ, không được chủ quan lơ là trước siêu bão. Đồng thời sẵn sàng mọi nhân lực, vật tự phương tiện máy móc để xử lý ngay sự cố khi đủ điều kiện an toàn điện. Lãnh đạo EVNNPT cũng đặc biệt lưu ý sau khi bão đi qua sẽ là hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài vì vậy trong quá trình vận hành cần đặc biệt chú trọng an toàn người và thiết bị.

Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến kiểm tra, nghe báo cáo nhanh công tác ứng phó bão số 3 tại Trạm biến áp 220kV Trực Ninh thuộc Đội Truyền tải điện Ninh Bình. Ảnh: EVNNPT.
Sáng ngày 21/7/2025, EVNNPT đã ban hành Công điện số 3929/CĐ-EVNNPT gửi các đơn vị trực thuộc về việc ứng phó với bão số 3 (WIPHA) và hoàn lưu bão. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia yêu cầu các đơn vị:
1. Khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của EVN tại Công điện số 4702/CĐ-EVN ngày 20/7/2025; Công điện số 5380/CĐ-BCT ngày 19/7/2025 của Bộ Công Thương về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (WIPHA)
2. Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời. Cập nhật, thực hiện đầy đủ các nội dung trong Công điện, văn bản chỉ đạo của các cấp được đăng tải trên phần mềm SMIS.
3. Tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết, tổ chức trực ban 24/24h, tuyệt đối không được chủ quan; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
4. Đảm bảo vận hành liên tục, ổn định và thông suốt đối với các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó khi sự cố kênh truyền.
5. Các Công ty Truyền tải điện 1, 2:
- Khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản phòng chống bão và thực hiện mọi giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và tài sản; các trạm nằm trong vùng ảnh hưởng tái lập ca trực trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền.
- Đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng cần có phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp để đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.
- Kiểm tra, rà soát, đảm bảo sẵn sàng làm việc của máy phát Diesel và dự trữ đủ nhiên liệu; kiểm tra hệ thống điện tự dùng AC, DC nhất là hệ thống phóng nạp ắc quy, đảm bảo hệ thống tự dùng làm việc ổn định, tin cậy trong mọi tình huống.
- Tổ chức kiểm tra, cắt tỉa cây cao, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; xúc dọn đất, đá khơi thông và bổ sung rãnh thoát nước (nếu cần) hướng ra xa khu vực có nguy cơ sạt lở; gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố.
- Tăng cường cảnh báo nguy cơ sạt lở, ngập sâu tại các trạm, tuyến đường dây qua vùng núi dốc, ven sông suối, đặc biệt chú ý khu vực có địa hình xung yếu hoặc đã từng có tiền sử sạt lở.
- Tập trung lực lượng kiểm tra, rà soát các thiệt hại, ảnh hưởng sau bão lũ. Khi có ảnh hưởng của thiên tai gây mất điện cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, khôi phục cấp điện nhanh nhất theo phương châm “4 tại chỗ”.
- Quá trình thực hiện phải bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, đặc biệt tuân thủ theo Phiếu thao tác, Phiếu công tác/Lệnh công; tác tuyệt đối không đóng điện trở lại khi chưa kiểm tra, xác minh đầy đủ điều kiện an toàn tại hiện trường.
6. Các Ban Quản lý dự án (NPMB, CPMB, NPTPMB):
- Kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến của thiên tai, tổ chức ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị trên công trường;
- Yêu cầu các nhà thầu kiểm tra hệ thống thoát nước mặt, khơi thông dòng chảy bảo đảm khả năng tiêu, thoát nước khi mưa lũ, tránh ngập úng, sạt trượt; che chắn các hạng mục (nếu cần) để không bị ẩm ướt, hư hỏng trước và sau thiên tai, khẩn trương thực hiện khắc phục nếu chưa bảo đảm kỹ thuật, chất lượng.
7. Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc đảm bảo hành lang an toàn, tuyên truyền an toàn điện trong mùa mưa bão và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác.
8. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1619/CT-EVNNPT ngày 08/4/2025 của EVNNPT về công tác PCTT&TKCN năm 2025 và Công điện số 3920/CĐ-EVNNPT ngày 19/7/2025 về việc chủ động ứng phó với bão WIPHA.
9. Đối với đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai phải cập nhật báo cáo, số liệu lên phần mềm SMIS trước 07h00’, 13h00’ và 19h00’ hằng ngày. Trường hợp xảy ra sự cố, thiệt hại lớn do thiên tai gây ra, đơn vị cần nhanh chóng cung cấp thông tin sơ bộ về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVNNPT.
Yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện./.