Nhiều điểm du lịch mới
Có mặt tại điểm du lịch sinh thái “Cá Vàng Khe Tọ” (tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) vào sáng ngày 30/4, ghi nhận của phóng viên là rất nhiều du khách từ khắp nơi đổ về để trải nghiệm tại điểm du lịch này.
Được biết, điểm du lịch nói trên được một chủ trang trại tận dụng dòng suối khe Tọ, thả xuống đó nhiều tấn cá vàng các loại, tạo dựng cảnh quan để làm du lịch. Cùng với nguồn cá suối tự nhiên, cá vàng được nuôi thả, cảnh sắc tự nhiên đẹp, yên bình, những năm gần đây, khe Tọ trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng nghìn du khách.

Du khách vui chơi tại điểm du lịch suối cá vàng Khe Tọ. Ảnh: Đình Tiệp.
Với giá vé vào khe 50.000 đồng/lượt, cùng với đó là các dịch vụ đi kèm đã đem lại thu nhập không nhỏ, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Phạm Thế Minh, chủ cơ sở này cho biết: “Trong ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, riêng suối cá vàng khe Tọ ước đón khoảng 1.500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện rất nhiều người ưa chuộng dịch vụ này, đến ngắm cảnh, tắm suối, chụp ảnh, cắm trại và mang theo đồ ăn để tổ chức tiệc ngoài trời ”.
Ngược lên huyện Quỳ Châu, có điểm du lịch ngắm cá, trải nghiệm tắm suối, bắt cá tại suối Nậm Cướm, xã Diên Lãm. Được biết, vào năm 2022, xã Diên Lãm đã thông qua và triển khai đề án bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát suối Nặm Cướm gắn với du lịch sinh thái cộng đồng xã Diên Lãm. Sau ba năm triển khai đề án bảo tồn đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Hiện nay, dọc suối Nậm Cướm những đoạn cấm đánh bắt cá phát triển rất nhanh, mỗi mét vuông mặt nước ước có hàng chục con cá. Không những cá mát mà các loại cá lấu, pộp, chạch suối… cũng hồi sinh, sống chiếm lĩnh nhiều hang, ngách đá dọc bờ suối.

Trải nghiệm bắt cá suối tại xã Diêm Lãm, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Đình Tiệp.
Giữa trưa, đứng trên cầu treo bản Cướm nhìn xuống suối, dưới dòng nước suối trong xanh, từng đàn cá mát, cá lấu ngược xuôi như những con thoi lật mình cạp rêu trên đá, ngửa bụng trắng phau, lấp lánh ánh bạc giữa dòng nước trong veo, nhìn rất vui mắt, thú vị.
Trên cơ sở đó, đầu năm 2025, chính quyền xã đã cho phép một số hộ kinh doanh thực hiện việc dựng chòi bên bờ suối để thí điểm mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm phong tục làm vía, buộc chỉ cổ tay của người Thái ở Quỳ Châu. Ảnh: Đình Tiệp.
Vừa mới khai trương quán chưa lâu, với tên gọi mang đậm chất địa phương “Vắng Tà Pé” nằm sát bờ suối Nậm Cướm, anh Vi Thanh Thu, chủ quán này, cho hay: “Quán chúng tôi mới mở chưa đầy 2 tuần nhưng ngày nào cũng gần như có khách đặt kín. Ở chỗ chúng tôi ngoài đầu tư những chòi ven suối để phục vụ ăn uống các món ăn truyền thống, đặc sản như cá mát, gà đồi, canh ột, chẻo măng… thì còn đầu tư thêm các dịch vụ khác như dựng cọn nước tạo cảnh quan, cho thuê trang phục dân tộc chụp ảnh, chèo bè, đu quay trên cây, trải nghiệm bắt cá… nên được khách rất ưu chuộng và thích thú”.
Thêm nhiều điểm đến hấp dẫn ở vùng cao
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy trong ít năm trở lại đây là số lượng các điểm du lịch ở vùng cao được xây dựng, hình thành ngày càng nhiều. Điều này không chỉ cung cấp nhiều địa chỉ lui tới cho du khách mà còn tạo ra không ít công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Cũng tại huyện vùng cao Quỳ Châu, những năm gần đây, điểm du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến với điểm nhấn là hàng chục Homstay luôn là điểm đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách.

Những điểm đến trải nghiệm ở vùng cao Nghệ An rất được ưa chuộng. Ảnh: Đình Tiệp.
Đến với Hoa Tiến, du khách được trải nghiệm lễ buộc chỉ cổ tay, uống rượu cần, nhảy sạp, khắc luống, tham gia vào các điệu múa lăm vông của người dân được tổ chức tại những ngôi nhà sàn cổ. Đến đây, khách du lịch không chỉ say đắm ché rượu cần cay nồng mà còn mê mẩn với ẩm thực đặc trưng của người Thái.
Chị Sầm Thảo Trang, Homstay Bích Trang, chia sẻ: “Ngoài những dịch vụ phục vụ du khách đã có trước đây, chúng tôi luôn tìm tòi và học hỏi thêm ở các nơi khác những cái mới mẻ để đem lại trải nghiệm thú vị hơn cho du khách. Để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, để khách sẽ quay trở lại khám phá thêm những điều mới lạ…”.

Du khách chụp ảnh với trang phục truyền thống người dân tộc Thái ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Đình Tiệp.
Ngoài ra, các điểm tham quan tự nhiên gần Hoa Tiến, hấp dẫn nhất là các thác nước như thác Tạt Niên, thác Bảy Tầng, thác Xao Va, thác Tạt Ngói, lòng hồ thủy điện Hủa Na. Hoạt động vui chơi ở những địa điểm nói trên vẫn còn khá hoang sơ, không có rác thải, du khách tha hồ tắm mình dưới dòng nước mát lạnh. Du khách cũng có thể đặt ăn trưa tại những nhà chòi làm bằng vật liệu tự nhiên như tre, nứa ngay bên cạnh con thác, với đầy đủ đặc sản như xôi, gà bản, cá suối, lợn mẹt.
Anh Lữ Thanh Long, chủ Homstay Lâm Khang (xã Hạnh Dịch, huyện biên giới Quế Phong) cách thác Bảy Tầng chỉ vài trăm mét, tâm sự: “Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, chỗ chúng tôi thu hút được rất nhiều đoàn du khách gần xa. Các đoàn đến đây đều thích thú với những trải nghiệm mới lạ đặc trưng của vùng cao. Với lượng khách dồi dào như thời gian vừa qua thì tới đây chúng tôi dự kiến nghiên cứu thêm các trò chơi, trải nghiệm mới lạ để tăng tính hấp dẫn của du lịch vùng cao”.
Điểm tên các điểm du lịch mới ở vùng cao xứ Nghệ thì rất nhiều. Ngoài những điểm đã khá nổi tiếng như thác Kèm, đập Phà Lài, khe nước Mọc (huyện Con Cuông) hay rừng săng lẻ cổ thụ, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương), có thể kể đến những điểm mới được khám phá gần đây cũng hấp dẫn không kém như thác Bồn (huyện Tân Kỳ), thác Rồng (huyện Kỳ Sơn), thác Nha Vang (huyện Tương Dương)…

Du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Nghệ An ngày càng hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: Đình Tiệp.
Theo ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, như thường lệ, năm nay du khách đổ về các điểm du lịch nổi tiếng của Nghệ An khá lớn. Trong đó, các điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm ở các địa phương vùng cao thu hút một lượng khách không hề nhỏ.
“Các địa phương đã biết cách khai thác những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, văn hóa đặc thù vùng miền… để đầu tư và biến nó thành thế mạnh thu hút du khách. Thực tiễn này có thể giúp chúng tôi tự tin khẳng định, du lịch sinh thái, trải nghiệm sẽ ngày càng phát triển trong tương lai gần ở vùng cao Nghệ An”, ông Trần Xuân Cường kỳ vọng.