Thông tư số 20/2015/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Thông tư này có nhiều bất cập, cần sửa đổi và bổ sung theo hướng nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, … nhằm giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện.
Điển hình như, Điều 5 Thông tư số 20 quy định việc quản lý thời hạn sử dụng tài khoản ngoại tệ nước ngoài căn cứ vào thời hạn của Giấy phép văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, thời hạn của Giấy phép văn phòng đại diện ở nước ngoài đa dạng, có thời hạn ngắn chỉ từ 2-3 năm, có trường hợp kéo dài tới 5-10 năm, hoặc không quy định thời hạn. Các trường hợp thời hạn dài dẫn tới thời hạn sử dụng tài khoản ở nước ngoài cũng kéo dài, gây khó khăn cho công tác quản lý và theo dõi tình hình hoạt động của tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của tổ chức.

Ảnh minh họa.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn cho phép duy trì tài khoản ở nước ngoài theo hướng căn cứ vào Giấy phép văn phòng đại diện ở nước ngoài nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày cấp Giấy phép.
Ngoài ra, Điều 6 Thông tư số 20/2015/TT-NHNN chưa quy định phương thức nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, cấp Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định và thêm phương thức nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công để nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến.