Dây dưa cưỡng chế chợ cũ
Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng chợ Pơng Drang, huyện Krông Búk cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh chợ HTC. Chợ Pơng Drang mới nằm trên diện tích gần 1ha với tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng, quy mô 312 quầy sạp.
Sau khi chợ được xây dựng xong vào tháng 9/2021, UBND huyện Krông Búk đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các tiểu thương tại chợ Pơng Drang cũ vào chợ mới để buôn bán. Tuy nhiên, đến nay tại chợ Pơng Drang mới chỉ có 4 hộ kinh doanh đang hoạt động giữa hàng trăm quầy sạp bỏ trống, đóng cửa.
Theo các tiểu thương, chợ Pơng Drang mới đi vào hoạt động các hộ kinh doanh đến buôn bán được thời gian. Tuy nhiên, do chợ cũ chưa đóng cửa cộng thêm chợ tạm, chợ tự phát vẫn chưa được giải tỏa hết nên các tiểu thương lần lượt bỏ sạp quay về chỗ cũ vì buôn bán ế ẩm.

Tiểu thương vẫn buôn bán tại chợ cũ trong khi chợ mới hoàn thành hơn một năm nay. Ảnh: Quang Yên.
Để giải quyết vấn đề, chính quyền địa phương nhiều lần thông báo đóng chợ cũ những vẫn không thực hiện, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh dọc theo Quốc lộ 14, tỉnh lộ 688, đường DN8 thôn 13 diễn ra ngày càng phức tạp.
Do đó, các tiểu thương đã làm đơn tập thể gửi cơ quan chức năng cầu cứu vì lo lắng khi bỏ ra số tiền lớn, thậm chí đi vay để thuê điểm kinh doanh tại chợ Pơng Drang mới, đầu tư vật dụng nhưng hoạt động không hiệu quả nên mất khả năng trả nợ.
“Chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi và chương trình thu hút tiểu thương đến chợ mới. Tuy nhiên chính quyền địa phương không thực hiện đóng chợ cũ, chợ tự phát nên không thu hút được các tiểu thương và người dân đến mua bán tại chợ Pơng Drang mới. Hiện chợ cũ xuống cấp trầm trọng, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của các tiểu thương.
Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng đóng chợ cũ, yêu cầu các tiểu thương còn lại di dời đến chợ mới. Việc này nhằm đảo bảo quyền lợi cho các tiểu thương đã thuê địa điểm kinh doanh cũng như đảm bảo an toàn khi chợ cũ đã xuống cấp”, các tiểu thương đề nghị.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Pơng Drang mới chỉ có 4 tiểu thương đang kinh doanh. Hơn 300 điểm kinh doanh còn lại đóng cửa, nhiều chủ đã treo bảng sang nhượng.
Sạp bán quần áo của bà Lã Thanh Huyền (ngụ thôn 13, xã Pơng Đrang) là giang hàng duy nhất hoạt động kinh doanh trong lồng chợ.

Tiểu thương bỏ hàng trăm triệu đồng ra thuê quầy, sạp tạ chợ Pơng Drang mới nhưng buôn bán ế ẩm. Ảnh: Quang Yên.
Bà Huyền cho biết, thời điểm chủ đầu tư khởi công xây dựng chợ đã dùng hết tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để thuê sạp với giá hơn 200 triệu đồng. Từ khi dọn vào chợ mới cuối năm 2021 đến nay việc buôn bán ế ẩm.
“Bán áo quần kèm theo sửa đồ chứ đợt khách đến mua hàng chỉ có nước chết đói. Hiện nay chợ cũ chưa dẹp xong thì các chợ tự phát lại mọc thêm. Chính quyền địa phương chưa quyết liệt để di dời chợ cũ khiến quyền lợi của các tiểu thương bị ảnh hưởng”, bà Huyền bức xúc.
Chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm
Chợ Pơng Drang được đầu tư xây dựng nhằm ổn định và phát triển thương mại, dịch vụ trung tâm xã Pơng Drang. Chợ được xây dựng công trình hạ tầng hoàn chỉnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân của khu vực; góp phần tạo công ăn việc làm cho các hộ tiểu thương.

Chợ Pơng Drang mới được đầu tư gần 40 tỷ đồng hơn một năm nay nhưng không thể hoạt động vì chính quyền thiếu quyết liệt trong việc đóng chợ cũ, chợ tự phát. Ảnh: Quang Yên.
Ông Phan Thiên Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh chợ HTC cho biết: “Công ty bỏ ra gần 40 tỷ xây chợ theo danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh nhưng đến nay việc kinh doanh ế ẩm, các tiểu thương không chịu đến. Việc tiểu thương không đến buôn bán gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp”, ông Hạnh thông tin.
Theo bà H’Pin Mlô, Chủ tịch UBND xã Pơng Drang, liên quan đến chợ Pơng Drang địa phương đang phối hợp với huyện để giải quyết. Chủ trương của UBND huyện là đóng cửa chợ nhưng thời điểm nào đóng thì chưa rõ.
Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo đối thoại với các tiểu thương. Khi có phương án hỗ trợ cho các tiểu thương thì UBND huyện mới ra quyết định đóng cửa chợ.

Chủ đầu tư có nhiều ưu đãi thu hút tiểu thương đến chợ mới nhưng họ không mặn mà vì chính quyền chưa dẹp chợ cũ. Ảnh: Quang Yên.
Liên quan đến việc chính quyền xã thiếu quyết liệt di dời chợ cũ, bà H’Pin cho biết, địa phương thường xuyên cử cán bộ lập lại trật tự lòng lề đường. “Việc xử lý rất khó khăn. Chính quyền xã cương quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm chứ không phải không”, bà H’Pin lý giải.
Ông Phan Hoàng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, địa phương đã họp với cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm sự việc tại chợ Pơng Drang.
Trước mắt đến ngày 3/12, cơ quan chức năng sẽ di dời 2/3 tiểu thương kinh doanh bát nháo tại chợ cũ đến chợ mới. Hiện chủ đầu tư đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các tiểu thương di dời đến chợ mới.
“UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt cho UBND xã xử lý đối với chợ Pơng Drang cũ. Huyện không đổ lỗi cho xã nhưng việc UBND xã vào cuộc xử lý vấn đề này chưa thật sự quyết liệt. Về mặt quản lý hành chính thì đã phân cấp, phân quyền rõ ràng. Chính quyền huyện không thể đi làm thay cho xã. Trách nhiệm chính trong việc di dời chợ cũ thuộc về UBND xã. Trong việc này xã thiết quyết liệt dẫn đến sự việc kéo dài”, ông Lâm chia sẻ.