| Hotline: 0983.970.780

Đoàn đàm phán kỹ thuật dự kiến họp tại Hoa Kỳ ngày 1/5

Thứ Ba 29/04/2025 , 11:24 (GMT+7)

Một tuần sau khi chính thức khởi động đàm phán thương mại, Việt Nam có bước đi đầu tiên nhằm tìm các giải pháp thích ứng với thuế đối ứng.

Tại cuộc họp hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chiều 28/4, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đỗ Ngọc Hưng cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia được Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán thương mại, cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.

Dự kiến ngày 1/5 tới, đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam sẽ sang Hoa Kỳ làm việc với các cơ quan liên quan, chính thức bước vào giai đoạn thảo luận chi tiết về các vấn đề thương mại song phương.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng. Ảnh: MOIT.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng. Ảnh: MOIT.

Theo ông Hưng, việc Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách đối tác ưu tiên cho thấy sự coi trọng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như sự ghi nhận thiện chí và nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc xử lý các quan ngại của Hoa Kỳ.

Hiện nhiều doanh nghiệp, chuỗi phân phối lớn của Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam đạt được thỏa thuận phù hợp nhằm duy trì nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và đàm phán để vận động xử lý các vấn đề thuế đối ứng, ông Hưng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể bảo vệ lợi ích thương mại. Đồng thời, tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghiệp, đầu tư, năng lượng và công nghệ cao.

Song song đó, Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách đầu tư vào công nghệ, đơn giản hóa quy định kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

"Trong bối cảnh nguy cơ thương mại gia tăng, chủ động thích ứng và thúc đẩy quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ là chìa khóa để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, cũng như hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Hưng nói.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Hoa Kỳ hồi đầu tháng 4/2025. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Hoa Kỳ hồi đầu tháng 4/2025. Ảnh: VGP.

Trước đó, hôm 23/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam đã điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer để chính thức khởi động tiến trình đàm phán song phương.

Cuộc điện đàm được Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đánh giá "hiệu quả", mở ra kỳ vọng vào một giải pháp hợp lý, tránh được việc Hoa Kỳ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, nguy cơ vẫn hiện hữu. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo tạm hoãn áp mức thuế đối ứng cao trong 90 ngày, với mức thuế tạm thời 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nếu không đạt thỏa thuận mới, mức thuế nhập khẩu với hàng hóa Việt Nam có thể tăng mạnh, gây ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu.

Các ngành chịu rủi ro lớn nếu Hoa Kỳ tăng thuế, gồm điện tử, dệt may, giày dép, nội thất và thủy sản. Các tập đoàn như Samsung, Intel và LG - với hoạt động sản xuất lớn tại Việt Nam - cũng đối mặt với vấn đề chi phí sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh.

Đặc biệt, ngành dệt may và giày dép, vốn sử dụng nhiều lao động Việt Nam, có thể bị sụt giảm đơn hàng từ các thương hiệu lớn như Nike và Adidas, ảnh hưởng đến việc làm trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 4,1 tỷ USD, tăng 21%.

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cơ cấu thương mại hai nước mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp, giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ tiếp cận sản phẩm Việt Nam với chất lượng ngày càng cao và giá cả hợp lý.

Các cuộc đàm phán kỹ thuật nhằm làm rõ những vấn đề chuyên môn liên quan đến cách tính thuế đối ứng, phương pháp xác định thiệt hại và mức trợ cấp mà phía Hoa Kỳ cho là Việt Nam có áp dụng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, cơ chế định giá hàng hóa xuất khẩu… Qua đó, Việt Nam sẽ cung cấp dữ liệu thực tế, lập luận pháp lý để có chính sách thương mại hài hòa hơn, hướng tới cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ.

Xem thêm
Việt Nam - Nhật Bản nhất trí ký kết Tầm nhìn trung, dài hạn về hợp tác nông nghiệp

Tại cuộc hội đàm giữa 2 Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản, hai bên nhất trí ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030.

Nông nghiệp và môi trường chuyển mình cùng cải cách hành chính

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025, với trọng tâm mạnh mẽ là cải cách thủ tục hành chính.