| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Nhật Bản nhất trí ký kết Tầm nhìn trung, dài hạn về hợp tác nông nghiệp

Thứ Hai 28/04/2025 , 15:25 (GMT+7)

Tại cuộc hội đàm giữa 2 Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản, hai bên nhất trí ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ishiba Shigeru chụp ảnh trước hội đàm. Ảnh: Như Ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ishiba Shigeru chụp ảnh trước hội đàm. Ảnh: Như Ý.

Sau lễ đón chính thức sáng 28/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Ishiba Shigeru. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác tin cậy và quan trọng hàng đầu của Việt Nam; đánh giá quan hệ hai nước có tiềm năng hợp tác ngày càng rộng lớn với nền tảng là sự tin cậy chính trị, giao lưu nhân dân lâu đời và thế mạnh bổ sung lẫn nhau.

Cảm ơn và đánh giá cao sự đóng góp của nguồn vốn vay ODA và đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vào sự phát triển kinh tế -  xã hội của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng chia sẻ các giải pháp trong bộ tứ chiến lược để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa bao gồm đột phá phát triển khoa học công nghệ, thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Ishiba đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới; khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong kỷ nguyên mới, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển khoa học công nghệ.

Hai Thủ tướng nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ, đẩy mạnh liên kết kinh tế thực chất và bền vững hơn, qua đó hỗ trợ nhau cùng phát triển trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế khó khăn hiện nay.

Hai bên nhất trí thúc đẩy sôi động hóa hợp tác ODA thế hệ mới cho các dự án chiến lược về cơ sở hạ tầng, tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại thực chất, hiệu quả, bền vững. Đánh giá cao các tiến triển đã đạt được trong một số dự án quan trọng như Đường sắt đô thị tuyến số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, hai bên nhất trí đẩy nhanh và đặt tiến độ cụ thể đối với nhiều dự án mang tính biểu tượng của quan hệ hai nước như Đại học Việt – Nhật, Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở II, cũng như các dự án của Trung tâm vũ trụ Việt Nam…

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực, ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 trong năm 2025.

Tại hội đàm, hai bên nhất trí ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 trong năm 2025. Ảnh: Như Ý.

Tại hội đàm, hai bên nhất trí ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 trong năm 2025. Ảnh: Như Ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Trên cơ sở sự tương đồng về chiến lược phát triển dựa trên khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hai Thủ tướng nhất trí xác định hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành trụ cột mới của quan hệ song phương; nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực phát triển kinh tế số, bán dẫn, lượng tử, năng lượng nguyên tử, IT, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng…; nhất trí nâng cao hiệu quả các cơ chế, khuôn khổ hợp tác về khoa học-công nghệ thông qua tổ chức khóa họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp về Khoa học Công nghệ trong năm 2026 và nghiên cứu khả năng thành lập cơ chế hợp tác mới về khoa học công nghệ theo hướng hợp tác công – tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, giới khoa học và doanh nghiệp hai nước; tăng cường cung cấp học bổng cho du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam; hỗ trợ cộng đồng 70 doanh nghiệp và 5.000 kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số của Nhật Bản.

Thủ tướng Ishiba khẳng định Nhật Bản sẽ hỗ trợ các dự án nghiên cứu chung, đào tạo tiến sĩ ngành bán dẫn của Việt Nam thông qua Dự án hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Nhật Bản – ASEAN (NEXUS); thông báo Nhật Bản mong muốn triển khai 15 dự án trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trị giá hơn 20 tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Châu Á (AETI), Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á (AZEC).

Các thành viên Chính phủ tham gia lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản sáng 28/4. Ảnh: Đức Thanh.

Các thành viên Chính phủ tham gia lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản sáng 28/4. Ảnh: Đức Thanh.

Hai Thủ tướng nhất trí đẩy mạnh hợp tác ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, kết nối nguồn nhân lực thông qua hợp tác lao động, hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân; phối hợp tích cực tổ chức Diễn đàn địa phương Việt Nam - Nhật Bản tại Việt Nam vào cuối năm 2025; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quảng bá du lịch, văn hóa truyền thống.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, hai bên nhất trí trong năm 2025 sẽ khởi động đàm phán Hiệp định Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Nhật Bản và thúc đẩy xây dựng Biên bản ghi nhớ hợp tác về chương trình lao động mới “việc làm để phát triển kỹ năng”.

Thủ tướng Ishiba đánh giá cao đóng góp và khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng hơn 600.000 người Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi về việc đơn giản hóa thủ tục, mở rộng diện cấp thị thực nhập cảnh Nhật Bản cho công dân Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu 02 triệu lượt khách du lịch thăm lẫn nhau mỗi năm.

Trao đổi về vấn đề khu vực và quốc tế, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, Mê Công, Liên hợp quốc... Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế và hệ thống thương mại tự do, rộng mở, bao hàm, dựa trên luật lệ, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Xem thêm