Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Bảy, 10/5/2025 2:58 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa xử phạt vi phạm hành chính

Thứ Hai 28/04/2025 , 11:19 (GMT+7)

Dự thảo Luật sửa đổi Luật XLVPHC tập trung phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục, tinh gọn bộ máy, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Sáng 28/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quochoi.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quochoi.

Sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp bộ máy

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết dự thảo Luật lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung của 64/143 điều, bao gồm sửa đổi, bổ sung 26 điều, sửa kỹ thuật 22 điều và bãi bỏ 16 điều, đồng thời bổ sung mới 1 điều.

Các nội dung sửa đổi tập trung vào việc điều chỉnh những quy định bị tác động bởi việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến phương thức làm việc; khắc phục những vướng mắc phổ biến trong quá trình thi hành luật.

Một điểm mới đáng chú ý là dự thảo bổ sung Điều 37a về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thay vì liệt kê cụ thể từng chức danh như trước. Theo đó, Luật sẽ quy định hệ lực lượng, chức danh có thẩm quyền xử phạt, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết. Song song với đó, 16 điều quy định cụ thể thẩm quyền của từng chức danh trong Luật hiện hành sẽ được bãi bỏ để phù hợp với tổ chức bộ máy mới, bảo đảm sự linh hoạt và thích ứng với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Quochoi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Quochoi.

Xác định rõ phạm vi sửa đổi, chưa mở rộng nội dung

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) Hoàng Thanh Tùng khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật, đánh giá hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ, đúng quy định và cơ bản thống nhất với chủ trương của Đảng cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

UBPLTP đề nghị phạm vi sửa đổi lần này chỉ giới hạn ở những nội dung phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chưa mở rộng sang các vấn đề lớn như thời hiệu xử phạt hay mức phạt tối đa, do chưa có tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ. Những nội dung này sẽ được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện tại Kỳ họp thứ 10.

Đối với thời hiệu xử lý vi phạm, UBPLTP đồng tình với việc kéo dài thời hiệu xử phạt đối với các vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, đồng thời bổ sung thời hiệu xử phạt đối với vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, đề nghị chưa sửa đổi thời hiệu xử phạt đối với vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Về mức phạt tiền tối đa, Ủy ban tán thành bổ sung lĩnh vực vi phạm liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức phạt đối với các lĩnh vực mới, chưa vội vàng nâng mức phạt ở các lĩnh vực đã được quy định trong Luật hiện hành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: Quochoi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: Quochoi.

Đủ điều kiện trình Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời khắc phục những bất cập của luật hiện hành. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát kỹ về phạm vi sửa đổi, thẩm quyền xử phạt và các vấn đề liên quan đến thời hiệu, mức phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật đầy đủ, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự rút gọn.

Ông lưu ý, việc sửa đổi lần này cần tập trung vào những vấn đề cấp bách, thiết thực phục vụ cho sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, thúc đẩy phân cấp, phân quyền, đổi mới tư duy lập pháp. Các nội dung chưa thực sự cấp thiết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi toàn diện trong thời gian tới.

Về thẩm quyền xử phạt, Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành chủ trương chỉ quy định hệ lực lượng và chức danh, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết; bãi bỏ các quy định cứng nhắc về từng chức danh để bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật.

Đối với vấn đề xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, ông yêu cầu cân nhắc kỹ, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, gửi tới đại biểu Quốc hội trước ngày 2/5/2025; giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét.

Xem thêm