![]() |
Trụ trì Thích Vĩnh Tín (giữa) và các nhà sư Thiếu Lâm Tự trong một cảnh quay chương trình truyền hình (Ảnh: Getty Images) |
Chùa Thiếu Lâm hay Thiếu Lâm Tự là một ngôi chùa có bề dày lịch sử nằm trên núi Tung Sơn, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Chùa nổi tiếng vì mối quan hệ giữa Phật giáo và võ thuật. Có rất nhiều huyền thoại về khả năng võ thuật của các nhà sư Thiếu Lâm Tự. Trong nhiều bộ phim, họ được mô tả như những chiến binh “mình đồng da sắt”, “đao thương bất nhập”.
Giờ đây, người ta còn biết tới Thiếu Lâm Tự như một tập đoàn kinh doanh, hoạt động mang lại lợi nhuận lớn với 5 công ty con gồm công ty quản lý tài sản, công ty Hoan hỷ địa, công ty truyền bá văn hóa, công ty phát triển thực phẩm và công ty dược.
Người góp phần hiện đại hóa và làm nên Thiếu Lâm Tự như hiện nay là sư trụ trì Thích Vĩnh Tín, 53 tuổi. Tuy nhiên, trụ trì Thích Vĩnh Tín cũng đối diện với không ít chỉ trích khi nhiều người cho rằng ông đang “thương mại hóa” quá mức ngôi chùa với 1.500 năm lịch sử. Được liệt vào danh sách di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Thiếu Lâm Tự thu về hàng triệu USD mỗi năm chỉ riêng nhờ việc bán vé tham quan, theo Independent.
Du khách tới tham quan Thiếu Lâm Tự phải trả khoảng 16 USD vé vào cửa. Không có số liệu chính thức về số tiền thu từ việc bán vé tại chùa. Tuy nhiên, giới chuyên gia ước tính, con số có thể lên tới 20 triệu USD.
Hồi năm 2011, trụ trì Thích Vĩnh Tín tiết lộ chùa có khoảng hơn 40 công ty con ở nước ngoài với mục tiêu truyền bá võ thuật lấy cảm hứng từ phật giáo. Năm 2013, Thiếu Lâm Tự thậm chí còn nộp đơn xin niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong song bị từ chối cũng vì mối lo lắng về việc thương mại hóa quá mức sẽ làm mất đi ý nghĩa biểu tượng của ngôi chùa.
Hồi năm 2014, một quan chức từ Ủy ban Quản lý Thắng cảnh Tùng Sơn đặt câu hỏi những nhà sư tại Thiếu Lâm Tự cần quá nhiều tiền để làm gì và đây cũng là điều khiến nhiều người dân Trung Quốc thắc mắc.
Trả lời cho câu hỏi này, người phát ngôn của trụ trì Thích Vĩnh Tín cho biết Thiếu Lâm Tự chi một lượng lớn tiền của để xây dựng cũng như trùng tu các tòa nhà cũ có niên đại hàng thế kỷ. Tiền còn được dành để phát tiển văn hóa Thiếu Lâm ở cả trong và ngoài Trung Quốc, đồng thời trang trải những chi phí hàng ngày của các nhà sư.
Thích Vĩnh Tín là nhà sư đầu tiên của Trung Quốc có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông liên tục phủ nhận việc phát triển Thiếu Lâm Tự hướng tới mục đích kinh doanh và khẳng định ngôi chùa đang thực hiện sứ mệnh tạo ra ảnh hưởng khắp thế giới bằng cái gọi là “văn hóa Thiếu Lâm”.
Bên cạnh việc giảng dạy võ thuật trên toàn cầu, Thiếu Lâm Tự còn tích cực mở các trung tâm hướng dẫn thiền định và dạy tiếng Trung Quốc. Chùa hiện có hơn 130 câu lạc bộ võ thuật chỉ tính riêng ở Mỹ và các nhà sư Thiếu Lâm đã có thể dạy tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.
Trụ trì Thích Vĩnh Tín được mệnh danh là “CEO của Thiếu Lâm Tự”. Trong hơn một thập kỷ lãnh đạo chùa, ông đã phát triển hàng loạt dự án thương mại như biểu diễn võ thuật, sản xuất phim hay kinh doanh thương mại điện tử.
Nhờ danh tiếng của Thiếu Lâm Tự, ngôi làng Thiếu Lâm nơi chùa án ngự cũng được hưởng lợi. Nhiều người mô tả làng giống như “lò võ thuật” với khoảng 50 ngôi trường dạy võ và hơn 50.000 học viên.
Trụ trì Thích Vĩnh Tín hồi năm 2015 vướng vào một bê bối nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự nghiệp của ông. Một nhà sư đã tố cáo Thích Vĩnh Tín có quan hệ xác thịt với một số phụ nữ, trong đó có hai nữ tu và dùng tiền của nhà tù để đi bao các nhân tình. Ngoài ra, ông cũng bị cáo buộc biển thủ công quỹ. Người đứng đầu ngôi chùa nổi tiếng từng gây xôn xao khi nhận ôtô hạng sang, và áo choàng có giá 25.000 USD từ giới chức địa phương.
Tuy nhiên, đến năm 2017, nhà chức trách tỉnh Hà Nam đã kết luận rằng những cáo buộc nhằm vào trụ trì Thích Vĩnh Tín đều sai sự thật. Theo báo cáo điều tra từ chính phủ, trụ trì Thích Vĩnh Tín luôn quản lý tài chính vì lợi ích của chùa. Với cáo buộc trụ trì Thích Vĩnh Tín sở hữu 15 xe sang, 4 chiếc nhập khẩu, báo cáo cho hay chúng đều được sử dụng với mục đích kinh doanh cho nhà chùa. Dù danh tiếng đã được bảo vệ, kể từ sau bê bối, trụ trì Thích Vĩnh Tín khá kín tiếng. Ông hiếm khi xuất hiện trong các sự kiện công khai.