
Nghiên cứu cho thấy mèo hoang là loài gây tốn kém nhất trong số các loài cá thể được nghiên cứu nhưng loài gây hại nhiều nhất lại là thực vật.
Thực vật, động vật và dịch bệnh xâm hại đã khiến Úc mất tối thiểu 390 tỷ USD do thiệt hại và chi phí quản lý trong 60 năm qua.
Mèo hoang là loài gây thiệt hại lớn nhất trong số hàng trăm loài cá thể được nghiên cứu, chiếm hơn 10 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại và chi phí quản lý. Động vật gặm nhấm, lợn và thỏ đến đứng vị trí sát phía sau.
Nhưng loại dịch hại xâm lấn gây tổn thất nhiều nhất là thực vật. Chi phí do thiệt hại về năng suất và chi cho việc quản lý các loài như cỏ hắc mạch, cúc dại parthenium và cỏ lưỡi chó ragwort lên tới hơn 200 tỷ USD.
Các nhà khoa học đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết gánh nặng tài chính thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều vì thống kê chỉ tính đến những chi phí được báo cáo một cách đáng tin cậy trong những thập kỷ qua.
Nghiên cứu không cố gắng đưa ra con số về thiệt hại môi trường do các loài xâm lấn, chẳng hạn như mất đa dạng sinh học, sự tuyệt chủng của các loài hoặc mất các giá trị văn hóa.
Giáo sư Corey Bradshaw, Đại học Flinders và Trung tâm ARC về Di sản và Đa dạng Sinh học Úc cho biết: “Điểm mấu chốt ở đây là chúng tôi vẫn đang xem xét đánh giá thấp quá mức chi phí thiệt hại".
Giáo sư Bradshaw, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết chi phí từ các loài xâm lấn sẽ còn tăng lên nếu không có sự đầu tư lớn để xử lý và phối hợp tốt hơn.
Trong những năm 1970, chi phí trung bình hàng năm của Úc để quản lý các loài gây hại xâm lấn là 70 triệu USD nhưng trong thập kỷ gần đây nhất, con số này đã tăng lên 20 tỷ USD.
Đối với bang New South Wales và Lãnh thổ thủ đô Úc (ACT), mèo, cáo và thỏ gây ra thiệt hại nặng nề nhất. Ở Lãnh thổ phía Bắc, hơn 1/3 chi phí thiệt hại là do một loại nấm gây bệnh tàn nhang trên chuối.
Theo nghiên cứu, loài gây thiệt hại lớn nhất của bang Queensland là kiến lửa đỏ, loài gây thiệt hại lớn nhất của bang Tasmania là cỏ lưỡi chó và loại gây thiệt hại lớn nhất của Tây Úc là cỏ hắc mạch.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí NeoBiota, có thể là nghiên cứu toàn diện nhất về chi phí quan sát được từ các loài gây hại xâm lấn ở Úc.
Nhưng Bradshaw nói rằng vẫn còn rất nhiều loài gây hại chưa được nghiên cứu. Ví dụ, có rất ít nghiên cứu hoặc báo cáo ghi nhận thiệt hại do chim, ve hoặc cá xâm hại.
Tiến sĩ Andrew Hoskins, đồng tác giả của nghiên cứu và nhà khoa học nghiên cứu tại CSIRO, cho biết có rất nhiều “ẩn số đã biết” không thể nắm bắt được.
Ông nói: “Ví dụ, chúng tôi biết rằng bệnh thối rễ gây ra thiệt hại lớn về môi trường và nông nghiệp, nhưng chúng tôi chưa thể tìm thấy bất kỳ dữ liệu gây thiệt hại nào mặc dù chúng tôi biết tác động là rất lớn”.
Ông cho biết mặc dù chi phí và tác động thường bị che giấu đối với công chúng, nhưng việc đối phó với các loài xâm lấn đang đặt thêm gánh nặng cho nông dân và giá lương thực.
Năm ngoái, một báo cáo do CSIRO dẫn đầu đã kêu gọi một thay đổi lớn về cách thức Úc quản lý các mối đe dọa về an toàn sinh học.
Với sự gia tăng của du lịch và thương mại do toàn cầu hóa, số vụ ngăn chặn các vật liệu nguy hiểm tiềm ẩn tại biên giới của Úc đã tăng 50% từ năm 2012 đến năm 2017.
Báo cáo của CSIRO cho biết khoảng 20 loài cỏ dại mới hình thành ở Úc mỗi năm, và chi phí quản lý lớn hơn và thiệt hại sản xuất do cỏ dại xâm lấn ước tính khoảng 5 tỷ USD/năm.
Andrew Cox, giám đốc điều hành của Hội đồng Các loài xâm lấn, cho biết nghiên cứu cho thấy “gánh nặng to lớn mà mọi thành phần trong xã hội phải gánh chịu” từ sâu bệnh.
Cox, người đã kêu gọi Ủy ban Năng suất xem xét chi phí và lợi ích của việc hành động ứng phó đối với các loài xâm lấn, cho biết: “Chúng ta rất dễ bị tổn thương - không chỉ môi trường tự nhiên mà còn cả hệ thống nông nghiệp".
“Biên giới đại dương là hàng rào tự nhiên nhưng giao thương và du lịch leo thang đang khiến nước Úc gặp rủi ro. Tác động xấu của những loài đã tồn tại ở đây và tỷ lệ những loài tác hại xấu mới xuất hiện đều đang tăng lên", ông cho biết.