Trao “cần câu” để dân chủ động vươn lên
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, UBND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã tích cực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Thay vì hỗ trợ trực tiếp mang tính “cứu trợ”, địa phương chú trọng vào việc trao cho người dân “cần câu”, giúp họ chủ động thoát nghèo, từ đó giảm nghèo bền vững.
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Kỷ, thôn Thuận Chung, xã Thuận Hạnh là một trong nhiều hộ dân được thụ hưởng chính sách này. Hơn 20 năm vào lập nghiệp tại địa phương, gia cảnh khó khăn vì đông con và bệnh tật khiến gia đình ông mãi nằm trong diện cận nghèo.

Người dân phấn khởi chăm sóc bò sinh sản giúp thoát nghèo. Ảnh: Phạm Hoài.
Năm 2023, theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình ông được hỗ trợ một con bò cái sinh sản. Đây là mô hình do Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện phối hợp với UBND xã Thuận Hạnh triển khai.
“Từ ngày được nhận bò, gia đình tôi có thêm động lực và niềm tin để cố gắng hơn. Mỗi ngày đều cắt cỏ, chăm sóc, mong bò sớm sinh sản để phát triển thành đàn. Nếu thành công, tôi sẽ nhân rộng, bán giống, có thêm thu nhập”, ông Kỷ chia sẻ.
Ngoài bò sinh sản, mô hình nuôi dê cũng được xem là hướng đi tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều xã trong huyện. Theo một số hộ dân nằm trong diện hộ nghèo và cận nghèo, việc được cấp con giống đã giúp cho gia đình có thêm động lực để phấn đấu phát triển kinh tế cũng như nỗ lực thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, huyện triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng theo loại hình nông nghiệp. Đến nay, đã thực hiện hỗ trợ cho 333 hộ, trong đó hỗ trợ cho 122 hộ nghèo, 174 hộ cận nghèo, 37 hộ mới thoát nghèo và hộ khác. Việc triển khai dự án gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu và lựa chọn con giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
“Mô hình hỗ trợ con giống như bò sinh sản và dê sinh sản là hình thức hỗ trợ thiết thực, mang lại hiệu quả cao, đến nay số dê giống và bò giống cấp cho người dân đã sinh sản và phát triển tốt, tạo công việc và thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Thân chia sẻ.
Đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo
Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Song, thực hiện chương trình giảm nghèo, địa phương không chỉ hỗ trợ con giống mà còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng bệnh, xây dựng chuồng trại phù hợp. Huyện thành lập các tổ giám sát phối hợp cùng xã, thôn để đồng hành cùng người dân trong suốt quá trình thực hiện.
Theo UBND huyện Đắk Song, trong hai năm 2023-2024, toàn huyện triển khai 16 mô hình sinh kế từ chương trình giảm nghèo, trong đó có 13 mô hình chăn nuôi bò và 3 mô hình nuôi dê. Các mô hình này ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu, có cam kết tham gia, chăm sóc và sử dụng đúng mục đích.
Không chỉ dừng lại ở việc cấp con giống hay cây trồng, huyện Đắk Song đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo đa chiều như hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí cho học sinh, cải thiện nhà ở, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là nền tảng để người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, từng bước vươn lên ổn định đời sống.

Ngoài bò sinh sản, mô hình nuôi dê cũng được xem là hướng đi tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều xã trong huyện Đắk Song. Ảnh: Phạm Hoài.
Cụ thể, như mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai cho 36 hộ nghèo, hộ cận nghèo với 10.800 con gà, 37.746 kg cám gà và 104 con bò cho 104 hộ. Việc triển khai thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã có nhiều tác động tích cực đến việc giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, đồng thời, lan tỏa đến người dân và toàn cộng đồng về sự quan tâm.
Ngoài ra, huyện còn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu. Huyện đã mua sắm 9 bộ máy tính cho 9 xã, thị trấn để phục vụ lưu trữ, xử lý, cung cấp thông tin thị trường lao động và giao dịch việc làm trực tuyến, vận hành hệ thống quản lý lao động điện tử.
Cùng với đó, huyện tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm/ngày hội việc làm, thu hút hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cơ sở đào tạo và hơn 300 người lao động là học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn huyện tham gia.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Đắk Song, chương trình không chỉ giúp hộ nghèo có tài sản, có sinh kế mà còn thay đổi cách làm ăn. Trước đây nhiều hộ chỉ trông chờ vào trợ cấp, giờ họ chủ động học hỏi, đi tham quan mô hình, tích cực cải tạo vườn, chuồng trại.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đánh giá, rà soát từng nhóm đối tượng để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nhân rộng mô hình có hiệu quả.
“Chúng tôi không chạy theo số lượng mà đặt hiệu quả lên hàng đầu. Mỗi mô hình phải thực sự phù hợp với điều kiện từng hộ. Chỉ khi người dân chủ động, mô hình mới phát huy lâu dài”, đại diện lãnh đạo huyện Đắk Song nói.
Chương trình giảm nghèo tại Đắk Song đang dần chuyển từ hỗ trợ đơn lẻ sang phát triển tổng thể. Chính cách làm bài bản, chặt chẽ, sát thực tiễn đang giúp người dân nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất mình gắn bó.