
Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 thu hồi được 30% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Ảnh: Trần Thọ.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý và của các doanh nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê bị lấn chiếm trong thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Trên đất lấn chiếm, người dân canh tác, sản xuất, xây dựng nhà ở, công trình trái phép, gây nhiều áp lực, khó khăn cho chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp.
Tình trạng này còn ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý, sử dụng đất, bảo vệ, phát triển rừng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp và các ban quản lý rừng, vườn quốc gia cũng như các chủ dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay địa phương có gần 128.000 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn chiếm. Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ, nhiều hạn chế. Tại một số địa phương, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó công tác kiểm tra, xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường bị lấn chiếm chưa được quan tâm đúng mức. Công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa cụ thể, sát sao, nhiều địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, tình trạng khu vực canh tác của người dân nằm xen kẽ trong đất lâm nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lấn chiếm đất lâm nghiệp. Tại Vườn quốc gia Yok Đôn hiện có trên 502 ha ruộng rẫy cũ của 253 hộ dân đang canh tác từ trước khi mở rộng vườn. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm lại mỏng, không thể kiểm soát thường xuyên nên dễ dẫn đến việc người dân cơi nới, lấn chiếm đất rừng.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 thu hồi được 30% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, phấn đấu đến cuối năm 2026 thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Đối với các trường hợp lấn chiếm mới phát sinh, tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã phải tổ chức kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay sau khi phát hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.

Đoàn kiểm tra giám sát về công tác bàn giao đất nông, lâm trường cho bà con tại xã Ea Kiết huyện Cư M'gar. Ảnh: Trần Thọ.
Để thực hiện mục tiêu của UBND tỉnh, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã quyết liệt triển khai các giải pháp thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Mới đây, UBND huyện Ea Súp đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức thu hồi hơn 742 ha đất lâm nghiệp ở Tiểu khu 293 thuộc xã Cư M’lan bị các hộ dân lấn chiếm. Việc thu hồi đất diễn ra thuận lợi nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trả lại đất đã lấn chiếm. Trước đó, vào năm 2024, UBND huyện Ea Súp đã tổ chức 3 đợt vận động, kết quả có 129 hộ dân đã tự nguyện trả lại hơn 600 ha đất lấn chiếm, sang nhượng trái phép tại tiểu khu 267 và tiểu khu 268 xã Ea Bung.
Tuy nhiên việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp một số khó khăn. Đó là, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm được người dân canh tác ổn định, một số hộ dân còn xây dựng công trình kiên cố nên việc giải tỏa rất phức tạp. Mặt khác, do địa bàn rộng nên sau khi thu hồi, nếu quản lý không chặt lại xảy ra tình trạng người dân tái lấn chiếm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar cho biết, do địa bàn rộng nên khoảng cách từ trung tâm xã đến khu vực đất lâm nghiệp bị lấn chiếm xa, địa hình lại phức tạp, do vậy gây khó khăn trong việc đi lại và quản lý. Trong khi đó, định mức kinh phí bảo vệ rừng thấp nên công tác quản lý càng khó khăn hơn.