Hiện tượng tảo nở hoa độc hại đã gây thiệt hại nặng nề cho sinh vật biển, đe dọa nghiêm trọng các loài chim di cư và ngành đánh bắt cá thương mại.
Coorong, vùng đất ngập nước tại Nam Úc được công nhận là có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar, đang đứng trước bờ vực "sụp đổ sinh thái" vì sự bùng phát của tảo độc. Theo lời các nhà bảo vệ môi trường, hiện tượng này đã hủy hoại sự sống dưới nước tại "khu vực duy nhất còn khỏe mạnh của Coorong", gây lo ngại sâu sắc cho các loài chim di cư và hoạt động đánh bắt cá.

Coorong được biết đến là nơi sinh sản của bồ nông và các loài chim di cư. Ảnh: ABC.
Quỹ Môi trường Coorong (CET) đã đưa ra một kế hoạch "vào phút chót" nhằm "giải cứu" vùng đất ngập nước này. Chính quyền bang cho biết họ rất quan tâm và mong muốn thực hiện kế hoạch đó.
Đầm phá nước mặn nông, trải dài khoảng 130 km dọc bờ biển phía đông nam bang, đã phải đối mặt với vô số áp lực môi trường từ những năm 1970. Các nhà bảo tồn lo ngại rằng đợt tảo nở hoa năm nay sẽ là "giọt nước tràn ly".
Chính quyền bang cũng "vô cùng lo lắng" về tương lai của Coorong. Quyền Thủ hiến Susan Close cảnh báo rằng khu vực này đã "đứng trên bờ vực từ rất lâu rồi".
Tuy nhiên, bà Close cũng thận trọng cho biết mức độ mà tảo Karenia mikimotoi sẽ gây ra sự thay đổi vĩnh viễn đối với hệ sinh thái Coorong "vẫn chưa thể xác định". Loại tảo độc này, vốn đã tàn phá sinh vật biển của Nam Úc từ tháng 3, gây ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch, được cho là đã xâm nhập vào Đầm phá Bắc Coorong vào cuối tháng 5 qua cửa sông Murray. Kể từ đó, nó đã giết chết hàng ngàn con giun đốt, cua và cá của Coorong.