Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là mạo danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án gọi điện thoại video call nhằm tạo dựng lòng tin với các bị hại. Sau đó, đối tượng lợi dụng tâm lý sợ hãi của các em học sinh, sinh viên để đe dọa, thao túng và gây áp lực tâm lý cho các nạn nhân.

Cơ quan điều tra làm việc với bị hại. Ảnh: Bộ Công an.
Kịch bản chúng tạo ra là thông báo cho các em có liên quan đến các vụ án đang điều tra nếu không làm theo yêu cầu của đối tượng sẽ bị bắt giữ, yêu cầu các em không được liên hệ với gia đình, tìm các địa điểm kín như nhà nghỉ, khách sạn… và làm theo hướng dẫn do bọn chúng soạn sẵn. Có nhiều vụ án, đối tượng đe doạ nếu không chuyển tiền sẽ bị đưa sang Campuchia làm việc hoặc hứa hẹn đi du học.
Để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cảnh báo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, tuyên truyền cho mọi người xung quanh biết về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm.
Đồng thời, người dân khi gặp các thủ đoạn lừa đảo như trên tuyệt đối không cung cấp mã OTP, thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân; không chuyển tiền cho bất kì ai khi chưa biết rõ về nhân thân lai lịch của họ; các cơ quan Nhà nước khi cần làm việc với người dân sẽ mời đến làm việc bằng văn bản, làm việc trực tiếp tại trụ sở; không có cơ quan Nhà nước nào làm việc qua điện thoại.
Người dân cần bình tĩnh, khai thác thông tin của đối tượng, tố giác ngay đến cơ quan Công an để phối hợp xử lý.