Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành tại Hà Nội, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cải cách hành chính đô thị. Trong 2 ngày đầu triển khai, tại nhiều phường, những chuyển động tích cực đã bắt đầu hiện rõ, đặc biệt trong những lĩnh vực gắn chặt với đời sống người dân như đất đai, môi trường. Và ở tuyến đầu ấy, đội ngũ cán bộ địa chính - môi trường chính là những người đang góp phần thổi luồng sinh khí mới vào bộ máy chính quyền phục vụ.

Tại phường Bạch Mai, điểm phục vụ hành chính công được tổ chức chuyên nghiệp, hoạt động sôi nổi ngay từ ngày đầu vân hành mô hình mới. Ảnh: Mai Đan.
Tuyến đầu thầm lặng của chính quyền đô thị
Lâu nay, cán bộ địa chính - môi trường ở cấp phường/xã vẫn được xem là “cánh tay nối dài” của chính quyền trong quản lý đất đai, quy hoạch và bảo vệ môi trường. Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như cập nhật hồ sơ địa chính, kiểm tra thực địa, mà còn là người trực tiếp lắng nghe, giải đáp các vướng mắc của người dân liên quan đến quyền sử dụng đất, cấp giấy tờ, chuyển mục đích sử dụng đất hay các vấn đề môi trường dân sinh.
Trong bối cảnh mô hình chính quyền hai cấp mới được triển khai, vai trò của đội ngũ này càng trở nên thiết yếu. Chia sẻ với PV, một cán bộ tiếp nhận thủ tục địa chính - xây dựng phường Bạch Mai cho biết: “Nhiều người dân trước kia ngại lên quận vì xa và phức tạp, nay biết có thể làm thủ tục tại phường nên đến rất đông. Khối lượng công việc tăng, nhưng đổi lại chúng tôi thấy rõ hơn trách nhiệm và vị trí của mình trong mắt người dân. Được tin tưởng cũng là một động lực lớn để làm tốt hơn”.
Tại phường Bạch Mai, điểm phục vụ hành chính công được tổ chức chuyên nghiệp, hoạt động sôi nổi ngay từ ngày đầu áp dụng mô hình mới. Bà Hoàng Thị Thu Hà, cán bộ thường trực tại đây cho biết: “Phường bố trí 7 cán bộ thường trực tại điểm phục vụ, có thể điều động thêm 10 người khi cần. Trong 2 ngày đầu, cán bộ đều tập trung cao độ, đón tiếp và hướng dẫn người dân tận tình từ khâu đầu tiên đến khi hoàn tất thủ tục”.

Phường Bạch Mai bố trí 7 cán bộ thường trực tại điểm phục vụ, có thể điều động thêm 10 người khi cần. Ảnh: Mai Đan.
Theo ghi nhận, số lượng người dân đến giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, xác nhận hồ sơ, chứng thực... tăng rõ rệt. Tuy nhiên, nhờ quy trình khoa học và tinh thần phục vụ tận tâm, các thủ tục được giải quyết nhanh chóng, rõ ràng.
“Có bác lớn tuổi đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, ban đầu còn lúng túng, nhưng được cán bộ hướng dẫn từng bước nên sau vài phút đã hoàn tất kê khai. Thái độ phục vụ gần gũi, kiên nhẫn chính là điểm cộng lớn nhất”, bà Hà nói thêm.
Chuyển động thực chất từ cơ sở
Không chỉ ở Bạch Mai, tại nhiều phường khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, người dân bắt đầu cảm nhận rõ hiệu quả của mô hình mới, nơi chính quyền không còn là những “cánh cổng xa” mà đã gần hơn, nhanh nhạy và thực chất hơn.
Bà Bùi Lan Hương, người dân phường Hàng Buồm kể lại hành trình 14 năm đi đính chính "sổ đỏ" vì ghi sai địa chỉ từ “Hàng Buồm” thành “Hàng Bồ”: “Lúc đầu tôi rất lo, vì không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng khi đến Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội - chi nhánh số 3, cán bộ hướng dẫn từng bước rất chi tiết. Sau vài tiếng đồng hồ, hồ sơ của tôi đã được xử lý xong”.

Trong 2 ngày đầu, cán bộ điểm phục vụ hành chính công phường Bạch Mai đều tập trung cao độ, đón tiếp và hướng dẫn người dân tận tình từ khâu đầu tiên đến khi hoàn tất thủ tục. Ảnh: Mai Đan.
Nếu như trước đây những lỗi nhỏ có thể kéo dài hàng tháng trời thì giờ đây, chỉ trong vài giờ, với sự hỗ trợ nhiệt tình từ cán bộ chuyên môn, người dân đã có thể giải quyết dứt điểm. “Tôi xúc động thật sự. Họ không chỉ làm việc bài bản mà còn rất chu đáo, nhẹ nhàng, coi người dân như trung tâm chứ không phải là người “đi xin”, bà Hương bày tỏ.
Câu chuyện của ông Phạm Văn Hùng (phường Bạch Mai) cũng phản ánh một chiều hướng tích cực trong chuyển đổi hành chính. Ông đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được cán bộ tiếp nhận thủ tục địa chính - xây dựng hướng dẫn chi tiết từ bước đầu tiên. Ông chia sẻ: “Trước kia phải đi lại lên xuống mấy lần giữa phường và quận. Nay chỉ cần đến phường là xong. Cán bộ thì nhiệt tình, hỏi gì cũng giải thích rõ ràng. Tôi thấy mô hình này rất hợp lý, thật sự gần dân”.

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội - chi nhánh số 3 hướng dẫn chi tiết người dân về thủ tục đính chính sổ đỏ. Ảnh: Xuân Hà.
Không còn tình trạng đẩy qua đẩy lại giữa các cấp, không còn sự trì trệ của bộ máy cồng kềnh. Mô hình chính quyền hai cấp được kỳ vọng sẽ giải quyết các thủ tục hành chính sát dân nhất, đúng ngay tại nơi phát sinh nhu cầu.
Không chỉ là khẩu hiệu
Với mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mô hình hai cấp không chỉ tinh giản bộ máy mà còn trao quyền mạnh hơn cho cấp cơ sở, nơi gần dân và hiểu dân nhất. “Chúng tôi kỳ vọng cấp phường sắp tới sẽ được trao thêm quyền giải quyết trực tiếp các thủ tục về đất đai, cùng với đó là được cập nhật cơ sở dữ liệu số hóa đầy đủ để làm việc chính xác, minh bạch hơn”, một người dân phường Hoàn Kiếm chia sẻ.

Những chuyển biến bước đầu trong mô hình chính quyền hai cấp đã củng cố niềm tin vào một chính quyền phục vụ đúng nghĩa, nơi cán bộ không còn là người “giải quyết việc” mà trở thành người “đồng hành cùng dân”. Ảnh: Xuân Hà.
Không thể phục vụ người dân tốt nếu thiếu công cụ hiện đại. Bởi vậy, hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu địa chính đồng bộ và các phần mềm quản lý hiệu quả đang là ưu tiên trong lộ trình chuyển đổi số của chính quyền Hà Nội. Những chuyển biến bước đầu đã củng cố niềm tin vào một chính quyền phục vụ đúng nghĩa, nơi cán bộ không còn là người “giải quyết việc” mà trở thành người “đồng hành cùng dân”.
Chị Phạm Phương Hạnh, cư dân phố Hàng Đậu vừa hoàn tất công chứng bằng cấp tại phường Cửa Nam chia sẻ: “Hồ sơ tôi nộp chiều hôm trước, sáng hôm sau đã nhận lại. Nhanh, rõ ràng, không phải chờ đợi hay đi lại nhiều. Thái độ phục vụ cũng rất chuyên nghiệp, khiến tôi cảm thấy thực sự an tâm”.

Cán bộ điểm phục vụ hành chính công phường Cửa Nam tiếp đón người dân đến làm thủ tục. Ảnh: Nguyễn Hà.
Một người dân ở phường Cửa Nam cũng chia sẻ: “Trước kia, nhiều thủ tục bị đùn đẩy giữa các cấp, mất thời gian và công sức. Nay tôi thấy mọi việc rõ ràng, minh bạch hơn. Mong rằng mô hình này sẽ được duy trì lâu dài và tiếp tục cải tiến”.
Không chỉ là bước cải tiến kỹ thuật, mô hình chính quyền hai cấp đang mở ra kỳ vọng lớn hơn: một nền hành chính đô thị hiệu lực - hiệu quả, vận hành trơn tru, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Để đạt được điều đó, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện, tinh thần đổi mới từ cơ sở, sự hỗ trợ của công nghệ và quan trọng nhất - niềm tin từ người dân - chính là những yếu tố then chốt.
Và ở nơi gần dân nhất, những cán bộ địa chính - môi trường thầm lặng nhưng bền bỉ, đang góp phần quan trọng vào hành trình đó. Họ không chỉ làm đúng quy trình, mà còn đang đặt nền móng cho một chính quyền phục vụ, minh bạch và hiện đại - chính quyền vì dân, do dân và gần dân hơn bao giờ hết.