Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Tư, 23/7/2025 16:19 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Bộ Công Thương chuyển hơn 200 nhiệm vụ về cấp tỉnh

Thứ Sáu 27/06/2025 , 17:49 (GMT+7)

Từ 1/7, nhiều nhiệm vụ quản lý ngành công thương sẽ do địa phương trực tiếp đảm trách, theo quy định mới nhằm tăng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tại Hội nghị trực tuyến sáng 27/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết việc phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền là yêu cầu tất yếu trong quá trình tổ chức lại bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp.

Trong đó, địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh, được trao thêm trách nhiệm rõ ràng, phù hợp với thực tiễn tiếp cận người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương. Ảnh: MOIT.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương. Ảnh: MOIT.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 139/2025/NĐ-CP và Nghị định 146/2025/NĐ-CP vào 12/6, xác định rõ trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trong 22 lĩnh vực thuộc ngành công thương.

Theo đó, Trung ương sẽ chuyển giao 208 nhiệm vụ cho UBND cấp tỉnh trong tổng số 401 nhiệm vụ có thể phân cấp, chiếm 52%. Trong số này, 26 nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng phân cấp, còn lại là 182 nhiệm vụ từ các Bộ, ngành Trung ương.

Ngoài ra, 37 nhiệm vụ được điều chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã, 7 nhiệm vụ được chuyển ngược từ huyện lên tỉnh. Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/7.

Cùng với việc phân cấp nhiệm vụ, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương kiện toàn bộ máy nhân sự ngành công thương tại địa phương theo đúng tinh thần “đúng người, đúng việc”. Đồng thời, các Sở Công Thương cần sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để phù hợp với khối lượng công việc mới và quy định tại các Nghị định.

Công tác công khai thủ tục hành chính cũng được đặt ra như một yêu cầu cấp bách. Cụ thể, các thủ tục đã phân cấp cho địa phương phải được công bố tại trụ sở các cơ quan chuyên môn, đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để cán bộ và người dân thuận tiện thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, sự chuyển dịch thẩm quyền này không chỉ là chuyển thủ tục hành chính mà là một bước thay đổi căn bản về tư duy quản lý: Địa phương không còn là nơi chỉ tiếp nhận chỉ đạo mà phải chủ động điều hành, chịu trách nhiệm và phối hợp nhịp nhàng với Trung ương.

Đáng chú ý, cấp xã, vốn ít xuất hiện trong cơ cấu quản lý ngành công thương trước đây, nay được giao thêm nhiều nhiệm vụ cụ thể, nhất là trong khâu tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công.

Bộ yêu cầu các xã, phường, thị trấn chủ động rà soát nhân sự, nâng cấp cơ sở vật chất và điều chỉnh quy chế hoạt động để không gây gián đoạn khi mô hình hai cấp chính thức vận hành từ 1/7.

Bộ Công Thương cam kết tiếp tục đồng hành với địa phương thông qua các kênh hướng dẫn kỹ thuật, hội nghị tập huấn định kỳ và đường dây nóng tiếp nhận phản ánh. Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ cũng trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, lưu ý và hướng dẫn triển khai thực tế tại hội nghị tập huấn lần này.

Việc phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền trong ngành Công Thương được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm hoặc chờ đợi chỉ đạo cấp trên. Thay vào đó, mỗi cấp sẽ có một không gian rõ ràng để thực thi công vụ, nâng cao năng lực xử lý tại chỗ và thúc đẩy dịch vụ công hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mục tiêu cuối cùng của việc sắp xếp lại hệ thống nhiệm vụ và thủ tục hành chính là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ông tin tưởng, khi địa phương mạnh, ngành công thương sẽ vững.

Xem thêm

Bình luận mới nhất