Ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký ban hành Quyết định số 821/QĐ lĩnh vực địa chất và khoáng sản thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ; trong đó thủ tục hành chính cấp Trung ương liên quan đến lĩnh vực này có 15 thủ tục, cấp tỉnh 23 thủ tục.
Các thủ tục hành chính cấp tỉnh bao gồm: Trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; gia hạn Giấy phép thăm dò khoáng sản; chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản; cấp, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản; cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đóng cửa mỏ khoáng sản; gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản; cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Thủ tục hành chính cấp Trung ương liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản có 15 thủ tục, cấp tỉnh 23 thủ tục. Ảnh minh họa.
Cùng với đó, một số thủ tục hành chính cấp tỉnh được chuẩn hóa như: Gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản; Đăng ký khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình; Chấp thuận tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản; Cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản; gia hạn, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; Chấp thuận khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xác nhận kết quả khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV;…
Việc chuẩn hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà mà còn tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Điều này sẽ tạo ra môi trường pháp lý minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành địa chất và khoáng sản.
Quan trọng hơn, việc chuẩn hóa giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời giảm thiểu tình trạng thủ tục kéo dài, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho tổ chức và cá nhân thực hiện.