| Hotline: 0983.970.780

Bình Liêu đánh thức tiềm năng

Thứ Năm 17/09/2015 , 06:18 (GMT+7)

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) là địa phương dân tộc, miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, cách TP Hạ Long 108km.

Nhờ những cách làm hiệu quả, phát huy nội lực nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, huyện Bình Liêu đang vươn lên mạnh mẽ, phát triển KT-XH bền vững, hiệu quả.

Gắn phát triển kinh tế và xây dựng NTM

Cuối năm 2014, người dân thôn Lục Nà (xã Lục Hồn) không khỏi vui mừng khi con đường nội thôn được hoàn thành. Tuyến đường này tuy chỉ dài 200m, nhưng đã giúp họ thoát khỏi cảnh vất vả trong việc đi lại trước đây, nhất là khi mưa bão.

Không chỉ riêng người dân thôn Lục Nà được đi lại trên con đường mới, mà người dân thôn Đồng Cậm (xã Hoành Mô), thôn Ngàn Chuông (xã Lục Hồn)... cũng được hưởng chung niềm vui trên.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM huyện, hiện có 8/8 trục đường liên xã được bê tông hoá đạt chuẩn; 81,5/190km đường liên thôn được cứng hoá.

Sau 5 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện Bình Liêu đã có chuyển biến tích cực.

Diện mạo các thôn, bản đã có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới đã được cải thiện, nâng cao.

Đến nay, trung bình các xã đạt 9,5/19 tiêu chí và 24,5/39 chỉ tiêu, tăng bình quân 8 tiêu chí và 20 chỉ tiêu so với năm 2010; 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch NTM, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ…

Huyện Bình Liêu đã quan tâm phát huy thế mạnh về SX nông lâm nghiệp để xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa đặc sản theo Chương trình OCOP do tỉnh Quảng Ninh phát động như: Đặc sản miến dong Bình Liêu, dầu sở Bình Liêu, rượu men lá Bình Liêu và các loại thảo dược...

Đặc biệt, huyện đã phát huy những tiềm năng, lợi thế về đường biên giới, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để phát triển du lịch với bản sắc riêng.

Đây là bước đi đúng hướng, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Hiệu quả từ phát triển KT-XH đã dẫn tới thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn tăng từ 8,8 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 14,6 triệu đồng/người/năm (năm 2014), dự kiến đến hết năm 2015 đạt 16 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2011 là 43,27%; đến năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,16%, tương đương có 2.394 hộ thoát nghèo; đến hết năm 2015 hộ nghèo ước còn dưới 8,25%.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Bình Liêu là một địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Nơi đây, có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và vẫn giữ được vẻ hoang sơ với những ruộng bậc thang, cánh rừng hồi, quế thơm nồng, bãi “đá thần” ở đỉnh Cao Ba Lanh hùng vĩ, thác Khe Vằn - danh thắng cấp tỉnh được rất nhiều du khách yêu thích du lịch “phượt” đến khám phá.

13-22-24_dsc_9569
Tiềm năng du lịch Bình Liêu đang được đánh thức

Đặc biệt, Bình Liêu là địa phương với tỷ lệ trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống đặc sắc của những thôn, bản đồng bào dân tộc Tày, dân tộc Dao, dân tộc Sán Chỉ; những mái nhà theo lối kiến trúc đơn sơ, mộc mạc.

Các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng vẫn được lưu giữ và phát huy như: Lễ hội Đình Lục Nà (từ 16-18 tháng Giêng âm lịch), lễ hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (vào dịp 16/3 âm lịch), ngày “Kiêng gió” với điệu hát Sán Cố của người Dao (vào dịp 4/4 âm lịch), diễn xướng then của người Tày các chợ phiên hằng tuần vào ngày Chủ nhật...

Các ngày lễ, hội diễn ra trong không khí vui tươi, lành mạnh, giữ nguyên nét truyền thống.

Trong thời gian qua, huyện Bình Liêu đã phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch; đặc biệt là việc phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn gắn với cảnh quan thiên nhiên, đường biên giới để phát triển các loại hình: Du lịch sinh thái, du lịch biên giới, du lịch cộng đồng với bản sắc riêng, tạo sản phẩm du lịch mới cho tỉnh Quảng Ninh.

Trong 5 năm, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt 538,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 223 tỷ; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án là 269 tỷ; vốn tín dụng là 30 tỷ; vốn huy động từ DN là 2,1 tỷ; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 13 tỷ; vốn hỗ trợ khác là 1,5 tỷ đồng.

Với việc kêu gọi các nhà đầu tư, liên kết với các đơn vị lữ hành, xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour tuyến, cải thiện hạ tầng giao thông... để đưa du khách đến với Bình Liêu, hiện du lịch ở địa phương này đang phất triển nhanh chóng.

Mới đây, Cty TNHH MTV Du lịch Nam Phong đã đi tiên phong trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, tour tuyến mới đến với Bình Liêu.

Ông Trần Nhuận Vinh, GĐ Cty TNHH MTV Nam Phong, cho biết hiện nay đơn vị cùng với địa phương đã tiến hành đưa sản phẩm du lịch Bình Liêu vào tour du lịch Hạ Long - Bình Liêu 2 ngày 1 đêm.

“Trong năm 2015, Cty sẽ tiến hành khai thác khách du lịch nội địa và một số thị trường du lịch nói tiếng Hoa như: Đài Loan, Singapore... để khám phá và trải nghiệm những phong cảnh thiên nhiên còn hoang sơ mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc vùng cao tại Bình Liêu.

 Với ruộng bậc thang, khe suối, thác nước và đặc biệt là các thôn, bản dân tộc thiểu số, tour du lịch Bình Liêu khá phù hợp với đối tượng khách này”, ông Vinh nói.

Để du lịch Bình Liêu phát triển, sớm trở thành một điểm nhấn trên bản đồ du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch của đất nước nói chung, ông Cao Tường Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm.

Trong đó, vấn đề đầu tiên là phải tập trung triển khai các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông du lịch, triển khai chiến lược xây dựng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh, khai thác đúng trọng tâm, trọng điểm những lợi thế của địa phương.

“Đồng thời, chúng tôi sẽ nghiên cứu những cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho những DN tiên phong khai phá, phát triển du lịch địa phương...

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Liêu sẽ tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn; nhằm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; chủ động phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH bền vững, hiệu quả”, ông Huy nói.

Theo UBND huyện Bình Liêu, Hội nghị công bố các Quy hoạch chiến lược, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp huyện và xúc tiến đầu tư huyện Bình Liêu sẽ được tổ chức vào ngày 18/9/2015.

Đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu.

Hội nghị sẽ cung cấp thông tin cơ bản về chiến lược phát triển KT-XH, các lĩnh vực trên địa bàn huyện, đồng thời nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, Hội nghị còn là cơ hội để huyện Bình Liêu tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu, các DN để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI)...

 

Xem thêm
Triển khai chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn

SƠN LA Thực tế đã có nhiều mô hình làng nghề kết hợp du lịch ở Sơn La phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân nông thôn.

Thanh Hóa có 32 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt đề cương 'Đề án phát triển, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2026 - 2030'.

Quảng Ngãi phấn đấu có thêm 70 sản phẩm OCOP

Quảng Ngãi phấn đấu năm 2025 có thêm 70 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh.