Những chiếc "tủ đông" di động
Trong ánh sương mờ đục nơi cửa khẩu biên giới, từng bóng người lầm lũi hiện ra, không mang theo vali, không đeo ba lô, mà mặc nguyên cả một “bộ giáp lương thực”.
Khu vực cầu cạn nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có từ 4 đến 5 người túc trực để chờ đón hàng đông lạnh để xé lẻ hàng ra. Thay vì được vận chuyển bằng xe lạnh, tủ bảo ôn hay thùng cách nhiệt chuyên dụng, chúng được vận chuyển bằng thân nhiệt theo đúng nghĩa đen.

Khu vực cầu cạn được các đối tượng xé lẻ hàng trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh: HK.
Xúc xích được dán sát bụng bằng băng keo; lạp xưởng quấn quanh đùi, bắp tay; quanh ngực, lưng, và cả… vùng kín. Thứ nước lạnh tanh từ các gói hàng ngấm dần qua lớp quần áo, rỉ ra theo từng bước đi, để lại vệt ướt nhầy nhụa trên mặt đường.
Những người này luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ. Một người có nhiệm vụ đảo mắt liên tục, dò xét từng ánh nhìn, từng cử chỉ bất thường xung quanh. Hễ thấy ai rút điện thoại ra quay phim hay chụp ảnh, dù chỉ là vô tình, lập tức tiến lại gần, mặt lạnh tanh, giọng rít qua kẽ răng: “Định quay cái gì đấy? nếu quay rồi thì xóa ngay đi”.
Không cần nói nhiều, người đàn ông sẵng sàng giật phắt điện thoại trên tay người khác, miệng không quên buông lời đe dọa: “Muốn giữ cái điện thoại thì xóa ngay đi, đừng có chơi dại!”. Ánh mắt toát lên sự hung hãn, như muốn cảnh cáo rằng chỉ cần một động thái nhỏ sai lệch, hậu quả sẽ không chỉ là mất máy.
Video các đối tượng vân chuyển hàng lậu "tác nghiệp" ngay trên Cầu Cạn, trước khu vực cửa khẩu
Sau nhiều ngày bám theo, quan sát từng lịch trình xuất nhập cảnh, chúng tôi bắt đầu nhận ra một vài gương mặt quen thuộc, đặc biệt là người đàn ông trung niên hay mặc áo khoác xám, thường xuyên có mặt vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều để nhận hàng từ cửu vạn vali. Không thể tiếp cận ngay, chúng tôi chọn cách "đóng vai" người buôn nhỏ, thỉnh thoảng bắt chuyện vu vơ, hỏi thăm giá cả, dò la thông tin vận chuyển.
Ban đầu, đối tượng khá dè chừng. Ánh mắt ông ta lướt qua với vẻ nghi hoặc, trả lời cộc lốc, rồi nhanh chóng bỏ đi. Nhưng kiên trì là điều bắt buộc. Mỗi ngày trôi qua, tôi đều cố gắng xuất hiện đúng giờ ông ta thường đến, chủ động mời thuốc, bắt chuyện bằng những câu tán gẫu vô hại. Một tuần, rồi mười ngày, khoảng cách dần thu hẹp. Ông ta bắt đầu quen mặt, thỉnh thoảng gật đầu chào, rồi một buổi sáng chớm lạnh, ông chủ động hỏi: “Cũng làm bên vận chuyển à?”.
Chỉ một câu hỏi, nhưng là tín hiệu mở đầu cho chuỗi ngày tiếp cận sâu hơn vào thế giới hàng đông lạnh, nơi ẩn giấu những chuyến hàng mà không phải ai cũng được quyền biết đến.
Qua ông V chúng tôi biết việc vận chuyển hàng dù theo kiểu "tủ đông di động" hay "cửu vạn vali" cũng đều không đơn giản. Ông V nói: “Lạnh thấu xương. Có hôm trời 8 -10 độ C, mà cả người dán đầy lạp xưởng đông đá. Lạnh ngấm từ từ, không cảm nhận ngay, nhưng về đêm là sốt, ho, mệt rũ người. Nhưng miễn là có tiền, nhiều cửu vạn bất chấp nguy cơ bệnh tật, nhưng không làm thì lấy gì ăn? Một lần quấn lạp xưởng như thế, nếu trót lọt, cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Một ngày làm 3 - 4 chuyến là đủ tiền lo cho con cái”.

Lạp xưởng đông lạnh được cuốn kín từ đầu xuống chân. Ảnh: HK.

Các đối tượng công khai cuốn xúc xích, lạp xưởng tại cầu cạn. Ảnh: HK.
Việc dùng thân thể người để vận chuyển đồ đông lạnh không chỉ là bi kịch mưu sinh của cửu vạn, mà còn là mối nguy tiềm ẩn cho cộng đồng. Chứng kiến nhiều người đi không nổi vì hàng nặng, vừa run vừa lết, nhưng vẫn cố vác theo cả chục ký lạp xưởng vậy mà lực lượng chức năng lại không hề hay biết.
Ngày mới của phóng viên cửu vạn
Mờ sáng, tôi bắt đầu chuyến hành trình theo đoàn quân "cửu vạn vali" chuyên đi xách hàng đông lạnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Là cư dân biên giới nên ông V được cấp cuốn sổ có màu xanh đen, được đi lại nhiều lần.

Sổ thông hành cho cư dân biên giới. Ảnh: HK.
Theo lịch trình, những người này thường xuất cảnh vào sáng sớm, khoảng 8 giờ sẽ trở lại với những chiếc vali đầy ắp hàng hóa bên trong. Già có, trẻ có, từ đàn ông đến đàn bà cứ ken đặc vào nhau để chờ qua cửa thông quan bên phía Trung Quốc.
Sau khi làm xong thủ tục xuất cảnh tôi và nhóm cửu vạn tiến thẳng đến cửa hàng đông lạnh có đề biển tên song ngữ Việt – Trung. Ông V dặn tôi không được hỏi han hay chụp hình. "Cứ im lặng mà làm, tiền công vẫn đủ, hỏi nhiều chỉ rước họa vào thân", ông V nói.

Cửa hàng đông lạnh song ngữ tại thị trấn Hà Khẩu được nhiều "cửu vạn vali" tìm đến để đánh hàng. Ảnh: HK.
Vì là hàng lậu không đi nguyên chuyến nên các đầu nậu đã thuê đội ngũ cửu vạn chia nhỏ hàng vận chuyển nhiều đợt. “Người nào khỏe đi được 3 kiện lạp xưởng, bình quân ai cũng đi được 2 kiện, đi càng nhiều lợi nhuận càng cao, gọi là bán sức để kiếm tiền thôi”, ông V vừa xếp hàng vào vali vừa khoe.
Bên ngoài, hàng trăm kiện hàng đông lạnh lớn nhỏ được xếp chồng lên nhau thay vì phải được để ở trong kho lạnh. Tại các cửa hàng này, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng ai buồn quan tâm, họ chỉ quan tâm làm sao có thể mang đi được nhiều hàng nhất. Bởi vậy ai cũng đều muốn nhồi nhét thật nhanh cho chóng đầy túi của mình, rồi cứ thế thẳng tiến về phía cửa khẩu.

Hàng đông lạnh được cửu vạn đóng gói để vận chuyển về Việt Nam. Ảnh: HK.
Trao đổi với một người phụ nữ tên D, bà này cho biết: “Đánh bất cứ hàng gì thì cũng đều phải chia nhỏ hàng ra để dễ vận chuyển. Một chuyến hàng về Việt Nam thành công mỗi người chia nhau cũng được từ 100.000 đến 200.000 đồng, mất hàng thì tự phải bỏ tiền túi ra đền”.
Bà D cũng tiết lộ thêm: “Từ sau Tết nhiều “cửu vạn vali” chuyển sang đi hàng đông lạnh, hàng này độ rủi ro cao nhưng tiền công tăng gấp đôi, ai chăm thì ngày có thể kiếm tiền triệu”.

Các kho đông lạnh tạm bợ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: HK.
Ước lượng mỗi ngày hàng tấn hàng đông lạnh được các cửu vạn vận chuyển công khai về Việt Nam thông qua con đường cửa khẩu, sau đó chúng sớm hội ngộ với chủ nhân, những người đã "cự tuyệt" nghĩa vụ khai báo và đóng thuế cho Nhà nước và tự dấn thân vào con đường vi phạm pháp luật.
---