| Hotline: 0983.970.780

Vạch trần thủ đoạn buôn lậu qua cửa khẩu Lào Cai: [Bài 1] Kẽ hở chính sách cư dân vùng biên

Thứ Hai 26/05/2025 , 18:23 (GMT+7)

Tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, hoạt động buôn lậu được tổ chức bài bản, có hệ thống, phân công nhiệm vụ, đặc biệt là có sự tiếp tay của cán bộ quản lý.

LTS: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 72/CT-TTg ngày 24/5/2025 về tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nhóm phóng viên điều tra Báo Nông nghiệp và Môi trường đã thâm nhập, vạch trần từng mắt xích trong chuỗi vận chuyển hàng đông lạnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tuyến bài điều tra không chỉ phơi bày những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng buôn lậu, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm, lỗ hổng quản lý, và việc tiếp tay của một số cán bộ quản lý cửa khẩu đã lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi, bất chấp sức khỏe cộng đồng.

Theo chân "cửu vạn vali" vùng biên

Tôi tìm lại một người chị cùng quê, chỉ vài năm không gặp mà chị đã hoàn toàn thay đổi, chị khoe đang làm chủ một công ty lữ hành có tiếng tại Lào Cai. Chị nhận lời sẽ đồng hành cùng tôi những ngày ở Trung Quốc để có được bức tranh toàn cảnh về hoạt động vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.

Sau khi thống nhất được phương án đi, tôi nhanh chóng có được sổ thông hành sang Trung Quốc với thời hạn là 3 tháng, chi phí làm sổ là hai trăm nghìn đồng, nhờ sự giúp đỡ của chị, với điều kiện phải có hộ khẩu trong tỉnh Lào Cai. Khi có đầy đủ giấy tờ, tôi đổi thêm mấy nghìn tệ (tiền Trung Quốc) để thuận tiện việc đi lại, mua bán.

Khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh cho cư dân biên giới tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: HK.

Khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh cho cư dân biên giới tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: HK.

Khoảng 7 giờ sáng hôm sau, xe của chị đến đón tôi tại một khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố Lào Cai, tôi di chuyển lên cửa khẩu làm thủ tục sang Trung Quốc. Tại cửa khẩu, thủ tục xuất cảnh rất đơn giản và nhanh chóng, sau 30 phút tôi và chị đã có mặt thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc.

Đối tượng buôn lậu lợi dụng chính sách vùng biên để "xé lẻ" hàng hóa đưa qua cửa khẩu.

Thị trấn Hà Khẩu ken đặc những dãy ki-ốt hàng hóa đủ loại, chị H vỗ vai tôi và nói: “Chú thấy “choáng” chưa, chỉ cách nhau một con sông thôi mà bên này họ buôn bán sầm uất lắm, ai đi lần đầu cũng đều lạc đường không ra được”.

Hàng trăm 'cửu vạn vali' xếp hàng chờ làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu. ẢNh: HK.

Hàng trăm "cửu vạn vali" xếp hàng chờ làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu. ẢNh: HK.

Là thị trấn nằm sát biên giới với Việt Nam, dọc hai bên đường là những dãy chung cư, bên ngoài không có gì nổi bật, nhưng bên trong chất đầy hàng đông lạnh, xúc xích, lạp xưởng, chân gà, các loại đồ chiên, nội tạng... Cửa hàng nào cũng đều có chục chiếc tủ đông công nghiệp mở nắp, phát ra tiếng ù ù liên tục như một bản nhạc nền quen thuộc của khu phố.

Chị H nói nhỏ vào tai: “Người mua hàng ở đây phần lớn là dân buôn Việt Nam, họ chỉ cần đặt hàng qua điện thoại là sẽ có một nhóm “cửu vạn” tới nhận hàng. Việc xếp hàng, đóng gói vào vali, túi xách, sau đó chuyển ra khu vực cửa khẩu diễn ra nhanh gọn và có tổ chức ”.

Thị trấn Hà Khẩu là nơi mà 'cửu vạn vali' đến để đánh hàng về Việt Nam. Ảnh: HK.

Thị trấn Hà Khẩu là nơi mà "cửu vạn vali" đến để đánh hàng về Việt Nam. Ảnh: HK.

Quan sát thấy khu chợ dù tấp nập nhưng không khí khá thận trọng. Mỗi giao dịch diễn ra nhanh gọn, nhiều khi chỉ là một cái gật đầu hay cuộc điện thoại là xong. Chủ hàng thường ngồi phía sau quầy, tay lướt sổ hoặc điện thoại ghi đơn, còn nhân công thì liên tục di chuyển hàng. Họ nói chuyện bằng tiếng Trung pha chút tiếng Việt, đủ để hiểu nhau trong việc làm ăn.

Chỉ tay về phía đoàn người nối đuôi nhau khệ nệ xách túi hàng to nhỏ, chị H bảo: “Ở Hà Khẩu có nhiều kho đông lạnh, nên mỗi ngày rất đông người Việt Nam sang để “đánh” hàng về cho các đầu nậu. Khách muốn lấy số lượng bao nhiêu, hàng gì bên này đều đáp ứng được”.

Hàng đông lạnh được đóng gói vận chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu. Ảnh: HK.

Hàng đông lạnh được đóng gói vận chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu. Ảnh: HK.

Sau nhiều ngày có mặt tại thị trấn Hà Khẩu tôi nhận ra, những ki-ốt không chỉ là nơi giao thương, mà còn là “trạm trung chuyển” của một dòng chảy hàng hóa âm thầm từ Trung Quốc về Việt Nam, phục vụ cho các chợ đầu mối, nhà hàng, tiểu thương khắp miền Bắc.

‘Biến tướng’ chính sách

Chính sách ưu đãi cho cư dân vùng biên giới không phải chịu bất kỳ một khoản thuế nào đối với hàng hóa có trị giá đến hai triệu đồng/ngày, không quá 4 lượt/tháng là một chính sách mở mà Chính phủ tạo điều kiện giúp xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy giao thương hàng hóa khu vực biên giới. Theo thời gian thì chính sách ấy đã nhanh chóng biến tướng thành một “kim bài miễn tử” để hợp pháp hóa chuyện buôn lậu có tổ chức.

Giữa ban ngày, ngay tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nơi đáng lẽ là điểm giao thương nghiêm ngặt, được kiểm soát chặt chẽ nhất lại hiện ra một khung cảnh nhộn nhịp như chợ phiên, nhưng không phải của thương nhân, mà là của một đội quân đặc biệt đội quân “cửu vạn vali”.

Mô hình doanh nghiệp vận tải nhân dân được hình thành tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: HK.

Mô hình doanh nghiệp vận tải nhân dân được hình thành tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: HK.

Cửu vạn vali đa phần là người dân tại các phường khu vực giáp biên hoặc người trong tỉnh được thuê theo ngày. Họ được trả công theo từng chuyến đi qua về, tất nhiên, “cửu vạn” nào cũng có sổ hộ khẩu vùng biên bởi nó là tấm thẻ bài miễn truy cứu”, chị H giải thích.

Từ chính sách ưu tiên đã sinh ra một mô hình doanh nghiệp vận tải nhân dân, không bảng hiệu, không mã số thuế, không kho bãi, chỉ cần cuốn sổ thông hành là có thể hành nghề. Những người vác hàng được gọi là “cửu vạn” có chứng nhận hợp lệ, còn các điểm tập kết hàng sau cửa khẩu thì hoạt động rôm rả như cảng logistic.

Những tấm 'thẻ bài' được 'cửu vạn vali' sử dụng để xách hàng lậu. Ảnh: HK.

Những tấm "thẻ bài" được "cửu vạn vali" sử dụng để xách hàng lậu. Ảnh: HK.

Một “cửu vạn” cho biết: “Ban đầu, họ chỉ xách vài thùng hoa quả, thùng mì tôm, quấn áo và giày dép, gọi là tiêu dùng cá nhân. Nhưng dần dà, có người tiêu dùng đi đến cả chục lần một ngày, thuê thêm cả chục bà con xung quanh đi theo, mỗi người vác một ít, rồi tập kết lại ở một điểm chung, hợp lại thành cả một kho hàng đông lạnh”.

Không giấu giếm, không lén lút, cũng chẳng cần đợi đêm xuống. Mỗi người một chiếc vali kéo, loại cỡ lớn, bóng loáng như hành khách quốc tế sắp lên đường du lịch. Nhưng nếu ai có tò mò mà hé mở bên trong, thì thay vì quần áo hay đồ dùng cá nhân, sẽ là hàng đông lạnh như xúc xích, lạp xưởng, viên chiên….

“Mỗi kiện hàng nhỏ gọn, phân tán vừa đủ để không phạm luật vận chuyển có tổ chức, nhưng tập hợp lại thì chẳng kém gì một container”, một “cửu vạn vali” chia sẻ.

Kho hàng đông lạnh tại thị trấn Hà Khẩu thường được cửu vạn vali vận chuyển về Việt Nam. Ảnh: HK.

Kho hàng đông lạnh tại thị trấn Hà Khẩu thường được cửu vạn vali vận chuyển về Việt Nam. Ảnh: HK.

Mỗi ngày có đến hằng nghìn chiếc vali lớn nhỏ đi sang Trung Quốc rồi lại về Việt Nam qua đường cửa khẩu, như một guồng máy trơn tru. Họ bước qua cổng kiểm soát Hải quan với thái độ bình thản đến mức tưởng chừng như quanh họ không có người thực thi pháp luật. Có lúc hàng chục chiếc vali chỉ toàn hàng lậu nối đuôi nhau lăn bánh, phát ra âm thanh lạch cạch vang vọng khu nhà làm thủ tục thông quan.

Lực lượng chức năng thì vẫn ở đó. Nhưng giữa mớ hỗn độn hàng hóa cá nhân và chính sách đặc thù cho cư dân biên giới, ranh giới giữa hợp pháp và phi pháp mỏng như một tờ hóa đơn giả. Đôi khi, mọi chuyện diễn ra trơn tru đến mức người ta tưởng lầm đây là một mô hình logistic kiểu mới, không kho bãi, không thuế má, không thủ tục, chỉ cần vali kéo và thái độ tự tin.

Những vali chứa hàng chuẩn bị được vận chuyển về Việt Nam. Ảnh: HK.

Những vali chứa hàng chuẩn bị được vận chuyển về Việt Nam. Ảnh: HK.

Và cứ thế theo thời gian, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã trở thành điểm nóng về vận chuyển hàng lậu, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm như lạp xưởng, xúc xích. Dưới lớp vỏ bọc tư trang cá nhân, nhiều đường dây đã sử dụng đủ mọi thủ đoạn để đưa các sản phẩm đông lạnh vượt biên theo đường cửa khẩu. Chúng tôi quyết định sẽ hóa thân thành “cửu vạn vali” để bóc trần thủ đoạn vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

---

>> [Bài 2] Thâm nhập cung đường vận chuyển hàng lậu

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

‘Lỗ hổng’ quản lý cơ sở kinh doanh tân dược

HẢI DƯƠNG Quản lý cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian qua đã bộc lộ ‘lỗ hổng’ tạo cơ hội cho nhiều nhà thuốc, quầy thuốc hoạt động trái phép.

Hà Nội tùy tiện điều chỉnh quy hoạch ở khu đất đấu giá Tứ Hiệp?

UBND huyện Thanh Trì tự điều chỉnh quy hoạch các ô đất xây chung cư Tecco theo hướng nâng số tầng, số hộ dân mà không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng.

Nghệ An xử phạt doanh nghiệp vi phạm môi trường 500 triệu đồng

Công ty Cổ phần Hữu Nghị Nghệ An vừa bị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt với số tiền lên đến 500 triệu đồng vì vi phạm về môi trường.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Bình luận mới nhất