Mới đây, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại khu vực bờ rạch Ông Chưởng, trên tỉnh lộ 946 thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cách cầu Trà Thôn khoảng 100m về phía hạ nguồn. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 70m, ăn sâu vào bờ từ 3 - 6m, đe dọa một đoạn bờ sông kéo dài khoảng 200m. Sự cố đã khiến 10 căn nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có 6 căn bị đổ sập một phần xuống sông. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 2 tỷ đồng.

Sạt lở nghiêm trọng ở bờ rạch Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã khiến 10 căn nhà bị ảnh hưởng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Nhiều người dân tại khu vực sạt lở vẫn còn hoang mang, lo lắng. Bà Nguyễn Thị Hoa (ấp Long Quới 2, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới), một trong những hộ bị ảnh hưởng chia sẻ: “Cả gia đình tôi đang sinh sống yên ổn thì nghe tiếng rầm lớn, rồi phần sau căn nhà đã nằm dưới sông. May mắn là chúng tôi kịp thoát ra ngoài. Giờ chỉ mong có nơi ở tạm an toàn và sớm được bố trí nơi ở ổn định”.
Ngay sau khi nhận tin báo, UBND huyện Chợ Mới đã huy động lực lượng tại chỗ gồm công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên cùng phương tiện đến hiện trường để hỗ trợ người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời dựng rào chắn, biển cảnh báo nhằm ngăn người dân tiếp tục đến gần vùng có nguy cơ sạt lở.
Ông Cù Minh Trọng, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Nguyên nhân ban đầu được xác định do đoạn sông này có khúc cua gắt, dòng chảy xiết kết hợp với lưu lượng phương tiện thủy qua lại nhiều gây xói lở chân bờ. Đặc biệt, khu vực này đã từng xảy ra sạt lở dài 30m vào cuối tháng 5/2023. Mặc dù đã được đưa vào danh mục theo dõi, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý do ngân sách huyện còn hạn chế.
Trước mắt, chính quyền địa phương đã tạm thời bố trí nơi ở cho 10 hộ dân tại khu vực trụ sở cũ xã Long Điền B, trong khi chờ sắp xếp tái định cư chính thức. Bên cạnh đó, UBND huyện Chợ Mới đã hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu đồng/hộ từ nguồn quỹ địa phương.
Ông Ngô Công Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra thực tế điểm sạt lở, thăm hỏi, động viên người dân và trao hỗ trợ từ quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh với mức 3 triệu đồng/hộ cho 10 hộ bị thiệt hại.
Tại buổi làm việc, ông Thức yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng khẩn trương khảo sát, đánh giá dòng chảy và hiện trạng địa chất khu vực để có giải pháp xử lý lâu dài.
“Phải tính toán đến việc điều tiết trọng tải phương tiện thủy, đánh giá lại áp lực dòng chảy và lên phương án đầu tư kè chống sạt lở trong dài hạn. Quan trọng hơn là cần đảm bảo đời sống an sinh, ổn định chỗ ở lâu dài cho các hộ dân bị ảnh hưởng”, ông Ngô Công Thức nhấn mạnh.

Đáng lo ngại, vụ sạt lở xảy ra trong bối cảnh mùa mưa bão năm nay vừa mới bắt đầu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, dự báo mùa mưa năm 2025, tình trạng sạt lở sẽ diễn biến phức tạp hơn do nền đất yếu, thủy triều thay đổi bất thường và tác động của phương tiện đường thủy có tải trọng lớn.
Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu, Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết: Hiện nay, An Giang đang tăng cường phối hợp với các địa phương để rà soát các điểm sạt lở nguy hiểm, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động di dời ra khỏi vùng có nguy cơ cao, đồng thời đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai các công trình kiên cố hóa bờ sông.