| Hotline: 0983.970.780

18 người chết do tai trên công trường thủy điện Bản Vẽ

Thứ Bảy 15/12/2007 , 20:43 (GMT+7)

Khoảng 9h30 sáng nay 15/12 đã xảy ra một vụ sập hầm tại công trường Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Chưa rõ số người thiệt mạng nhưng thông tin ban đầu xác nhận có 18 người đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát.

 

hiện trường vụ tai nạn (ảnh Tuổi trẻ)

Sự việc đã được ông Đào Duy Tân, Trưởng ban quản lý Dự án Thuỷ điện 2 xác nhận. Cũng theo ông Tân thì nguyên nhân sập hầm là do địa chất, làm lở núi và sập hầm khai thác đá.

Vào thời điểm đó, có 1 kíp công nhân 18 người khai thác đá đang làm việc bị vùi hoàn toàn vào đống đổ nát. 

Vụ sập núi đá xảy ra tại khu vực khai thác mỏ đá D3 để lấy đá thi công công trình thuỷ điện Bản Vẽ. Trong lúc đang làm việc thì bất ngờ núi đá từ ngọn núi cao hàng trăm mét ào ào đổ xuống. Tất cả công nhân làm việc phía dưới không kịp trở tay.

Danh sách 18 nạn nhân: 
1. Kỹ sư Nguyễn Thế Sơn (SN 1966, quê huyện Diễn Châu, Nghệ An)
Công nhân Công ty Sông Đà 2 gồm: 
1. Nguyễn Quý Trưởng (SN 1979, quê tỉnh Hải Dương)
2. Vũ Xuân Nhượng (SN 1979, quê Thanh Hoá)
3. Phạm Văn Thích (SN 1981, quê Thanh Hoá)
4. Nguyễn Văn Trực (SN 1977, quê Thanh Hoá)
5.Trịnh Bá Kỷ (SN 1957, quê Hà Tây)
6. Nguyễn Văn Vạn (1966, quê Hà Tây)
7. Dương Cao Sơn (SN 1967, quê Hoà Bình
8. Lê Công Tú (1986, quê Hà Nam)
9. Võ Văn Trang (1986, quê Nghệ An)
Công nhân Công ty Sông Đà 5:
1. Phạm Văn Hải (1978, quê Nghệ An)
2. Lê Văn Hoàng (1963, quê Thanh Hoá)
3. Hoàng Anh Vũ (1978, quê Phú Thọ)
4. Nguyễn Đúc Khôi (1975, quê Hải Dương)
5. Bùi Đức Kiên (1977, quê Hoà Bình)
6. Vũ Văn Mười (1977, quê Nam Định)
7. Phạm Văn Thành (1962, quê Hà Tây)
8. Lương Văn Tân (chưa xác định năm sinh, quê Hoà Bình) 

Anh Nguyễn Văn Chuyền, Đội trưởng đội cơ giới Sông Đà 2 bàng hoàng nhớ lại: Vụ việc xảy ra chỉ trong gang tấc, một tiếng động lớn kéo soạt hàng trăm ngàn m3 đất đá đã vùi 18 công nhân mỏ D3 xuống đống đổ nát.

Số công nhân bị thiệt mạng hầu hết là người ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hoá thuộc hai Công ty Sông Đà 5 và Sông Đà 2. Ngoài 18 công nhân trên còn có 1 máy khoan, 2 máy xúc, 2 ô tô cũng bị vùi sâu dưới những khối đá. Ước tính thiệt hại về vật chất gần 20 tỷ đồng.

Thông tin ban đầu cho hay, trước đó một ngày, tại đây lực lượng thi công đã cho nổ quả mìn rất to để lấy đá. Sáng nay (15/12), trong lúc công nhân đang làm việc thì xảy ra cơ sự.

Công tác cứu hộ được triển khai ngay sau vụ sạt núi, tuy nhiên đến tối vẫn chưa tìm thấy nạn nhân vùi dưới những tảng đá lớn.

Tại hiện trường, công tác cứu trợ đã được triển khai nhưng diễn ra khá chậm. Ông Đoàn Văn Mạnh, Phó TGĐ Cty Sông Đà 2 nói: “Nếu công việc cứu hộ lúc này mà không cẩn trọng, khi xúc đất đá ở phần dưới chân núi sẽ kéo theo những phiến đá nặng hàng trăm tấn tiếp tục đổ ào xuống, rất nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi sẽ kiên quyết không để những sai sót nào xảy ra tiếp theo trong thời gian cứu vớt những đồng đội nằm dưới”.  

Cũng theo anh Mạnh, hiện tại máy móc tại công trường đã bị vùi lấp gần như tất cả. Cty đang kêu đội cứu trợ ở Sơn La vào giúp, chứ máy móc ở đây thì không thể nào móc hoặc vận chuyển những phiến đá hàng trăm tấn ấy được.

Ông Nguyễn Trọng Đức - GĐ Xí nghiệp khai thác và vận chuyển 208 nói rưng rưng trong nước mắt: “Nhìn những tảng đá lớn đè lên thân thể anh em, đau lòng lắm nhưng đành bất lực bởi đống đất đá quá lớn, có những tảng đá phải nặng đến hàng chục tấn…”.

Chiều nay 15/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có công điện khẩn số 1949/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Công an, Xây dựng; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và TGĐ TCty Sông Đà. Công điện của Thủ tướng nêu: "Về vụ tại nạn nghiêm trọng sạt lở mỏ đá tại công trường xây dựng thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) làm chết và bị thương nhiều người, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi tới các nạn nhân bị thương và chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị tử nạn".

lao động chân tay không đủ sức lật những tảng đá 5-7 tấn, nên công tác cứu hộ chưa nhanh được (ảnh Tuổi trẻ)

Thủ tướng cũng yêu cầu: 1. Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBNDT tỉnh Nghệ An, TGĐ EVN, TCty Sông Đà trực tiếp chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, chia buồn và phối hợp cùng gia đình những người tử nạn để tổ chức mai táng chu đáo. Trong quá trình xử lý, khắc phục sự cố, hết sức lưu ý không để xảy ra sự cố tiếp theo. 2. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo lực lượng quân đội kịp thời bố trí lực lượng phối hợp và ứng cứu. 3. Giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào chỉ đạo trực tiếp công tác công tác cứu hộ tại hiện trường. 4. Bộ Công an phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng xác định rõ nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 5. Báo cáo thường xuyên, kịp thời tình hình khắc phục sự cố, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo tiếp theo.

Thủy điện Bản Vẽ (trên sông Cả) được khởi công ngày 7/8/2004 và thời gian dự kiến hoàn thành là năm 2008. Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

Nhà máy có công suất lắp máy 320MW, sản lượng điện trung bình 1076 triệu KWh/năm, có tổng vốn đầu tư khoảng 6.158 tỷ đồng. Đơn vị thiết kế chính là Cty Tư vấn xây dựng điện 1 (thuộc EVN). Các đơn vị tham gia thi công, gồm: TCty Sông Đà, TCty Xuất nhập khẩu xây dựng (VINACONEX), TCty Xây dựng miền Trung, TCty Xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI), TCty Cơ khí xây dựng (COMA) và TCty Thành An (Binh đoàn 11), trong đó TCty Sông Đà đứng đầu tổ hợp các nhà thầu.

Xem thêm
Đề xuất cán bộ, công chức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cán bộ, công chức, viên chức vào diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi trong bối cảnh tinh giản biên chế.

Gia cố hồ chứa bùn thải trước mùa mưa lũ

YÊN BÁI Huyện Trấn Yên chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tập trung gia cố hồ đập, hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại trong mùa mưa lũ đang cận kề.