Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cùng đại diện cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Về phía tỉnh Đắk Nông có ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cùng lãnh đạo các phòng, ban liên quan.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đánh giá cao ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông trong việc chủ động các phương án, giải pháp ứng phó với hạn hán năm 2025. Ảnh: Phạm Hoài.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 310 công trình thủy lợi, gồm 256 hồ chứa, 33 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 11 trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác. Tổng dung tích các hồ chứa đạt khoảng 182 triệu m³ nước. Tính đến nay, có 18 hồ chứa do công ty quản lý đã cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng đến khoảng 3.304ha cây trồng.
Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như điều tiết, bổ sung nguồn nước; lắp đặt máy bơm dã chiến; tận dụng nguồn nước còn lại trong các hồ chứa đã cạn kiệt để phục vụ sản xuất. Nhờ đó, mức độ thiệt hại năm nay được đánh giá không nghiêm trọng như các năm trước.

Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hoài.
Hiện các công trình thủy lợi mới chỉ đáp ứng khoảng 27% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, phần còn lại phụ thuộc vào nguồn nước khác. Một số địa phương như Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô hằng năm đều chịu ảnh hưởng bởi tình trạng khô hạn.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp, sửa chữa 37 công trình phục vụ tưới cho khoảng 8.200 ha cây trồng, xây mới 57 công trình phục vụ tưới cho 12.700 ha cây trồng, với tổng kinh phí khoảng 2.137 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phương án tích nước, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất thích ứng hạn hán, cũng như hiện trạng và kế hoạch đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp.

Ông Nguyễn Thái Anh, cán bộ kỹ thuật FAO châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ thông tin liên quan đến Dự án "Đánh giá tác động hạn hán vùng Tây Nguyên, Việt Nam". Ảnh: Phạm Hoài.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Khanh đánh giá cao tỉnh Đắk Nông trong việc chủ động các phương án, giải pháp ứng phó với hạn hán. Cụ thể, đến nay, tình trạng thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra là chưa nhiều và không gay gắt như năm trước. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, thiếu nước vẫn xảy ra. Hạn hán cục bộ xảy ra ở các vùng ngoài công trình thủy lợi, vùng công trình thủy lợi nhỏ.
"Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông cần chủ động nắm bắt tình hình để xử lý các tình huống hạn hán có thể xảy ra, vì từ nay đến mùa mưa còn dài. Bên cạnh đó, tỉnh cần lưu tâm đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, ở các vùng sâu, vùng xa", ông Nguyễn Hồng Khanh lưu ý.
Trước đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng, chống hạn, thiếu nước mùa khô năm 2025 trên địa bàn các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô…