| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái: Phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 30/6

Thứ Hai 12/05/2025 , 15:45 (GMT+7)

YÊN BÁI Đến nay, tỉnh Yên Bái đã khởi công xây dựng 2.208 căn nhà, đạt 100% kế hoạch năm 2025, trong đó 1.466 căn đã hoàn thành, phấn đấu hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/6/2025.

Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung cả nước, Yên Bái đã xác định công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong nhiều năm qua.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 30/6. Ảnh: Thanh Ngà.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 30/6. Ảnh: Thanh Ngà.

Từ giai đoạn 2016–2020, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng gần 9.200 căn nhà với tổng kinh phí hơn 494 tỷ đồng, trong đó trên 74% là nguồn xã hội hóa. Kết quả này đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,21% năm 2016 xuống còn 7,04% vào cuối năm 2020.

Bước sang giai đoạn 2021–2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ nhà ở, đặc biệt tập trung vào các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng thêm trên 7.400 căn nhà với tổng kinh phí 703 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa chiếm hơn 80%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn 5,68% (tương đương 12.575 hộ nghèo) vào cuối năm 2024, với mức giảm bình quân 4,13% mỗi năm.

Năm 2025, theo rà soát mới nhất, toàn tỉnh còn 2.208 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 272 hộ là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, còn lại là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã, đồng thời ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Điểm nổi bật trong quá trình triển khai đề án của tỉnh Yên Bái là việc huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền đã phân công cụ thể cho từng cán bộ phụ trách địa bàn, huy động nguồn lực từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực xã hội hóa. Riêng nguồn xã hội hóa trong năm 2025 được huy động chiếm trên 70%.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán từng vùng miền, đảm bảo nhà ở được xây dựng phù hợp, bền vững, tiết kiệm chi phí. Các địa phương cũng linh hoạt trong việc tổ chức thi công, phối hợp với các đơn vị xây dựng, sử dụng nhân công tại chỗ, huy động vật liệu từ người dân và cộng đồng để hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, giá trị thực tế của mỗi căn nhà thường cao hơn mức hỗ trợ của nhà nước, với bình quân khoảng 120 triệu đồng/nhà xây mới và 40 triệu đồng/nhà sửa chữa.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm và quyền lợi trong việc giảm nghèo bền vững, từ đó khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên và ý chí thoát nghèo. Phong trào “tương thân, tương ái” được lan tỏa sâu rộng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành khởi công 100% số nhà và sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 30/6/2025, là một trong những địa phương hoàn thành sớm so với cả nước, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của cả nước về xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.