Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra những kiến nghị, giải pháp về đầu tư vào đào tạo nhân lực và tuyên truyền nâng cao ý thức du khách, gắn du lịch xanh với phát triển văn hóa - xã hội với những mô hình homestay, nông trại, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian...

Một góc Thung Nham. Ảnh: Xuân Hà.
Hội nghị sẽ là nơi để các địa phương kết nối du lịch xanh, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc. Thông qua đó, không chỉ tăng trải nghiệm cho du khách mà còn giúp gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo công ăn việc làm và giữ chân người dân bản địa trên chính mảnh đất quê hương.
Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đang từng bước kiến tạo chiến lược phát triển du lịch xanh, không chỉ để thu hút du khách mà còn để bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ văn hóa bản địa và nâng cao sinh kế cho cộng đồng.

Thung Nham đã thay thế túi nylon bằng túi giấy, sử dụng chai thủy tinh thay nhựa dùng một lần, phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Xuân Hà.
Với Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tỉnh Ninh Bình từ lâu đã là biểu tượng của du lịch sinh thái bền vững. Không gian núi đá vôi hòa quyện sông ngòi, hệ thống hang động xuyên thủy độc đáo, cùng với hệ sinh thái đa dạng là nền tảng lý tưởng để phát triển du lịch xanh.
Đáng chú ý, Ninh Bình là địa phương được UNDP và Hiệp hội Du lịch Việt Nam chọn thí điểm dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch”, triển khai thành công tại Tràng An và Thung Nham. Các doanh nghiệp du lịch tại Ninh Bình đã thay thế túi nylon bằng túi giấy, sử dụng chai thủy tinh thay nhựa dùng một lần, phân loại rác tại nguồn. Những hành động nhỏ, nhưng đồng bộ này đã nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo hình ảnh điểm đến “an toàn - thân thiện - hấp dẫn”.

Một góc vườn chim Thung Nham. Ảnh: Xuân Hà.
Còn Thanh Hóa đã bắt đầu chuyển mình với các mô hình xanh tại Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, bản Mạ (Thường Xuân), Làng du lịch Yên Trung (Yên Định)... Pù Luông trở thành điểm đến “hot” trên bản đồ du lịch Việt Nam nhờ kiến trúc hòa mình vào thiên nhiên, loại bỏ rác thải nhựa, tận dụng gió trời thay điều hòa, sử dụng vật liệu tái chế và triển khai chuyển đổi số để tiết kiệm tài nguyên.
Trong khi đó, du lịch xanh ở Nghệ An âm thầm nhưng đầy tiềm năng. Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn Pù Hoạt, rừng săng lẻ Tam Đình, thác Khe Kèm, đập Phà Lài, dập Khe Là… là những “viên ngọc thô” đang dần được đánh thức.