
Đoàn công tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-MT) cùng đoàn công tác của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản làm việc tại Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.
Ngày 14/5, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Yên Bái và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) và các đối tác Nhật Bản.
Thành phần đoàn công tác Nhật Bản có ông Shin Ishikawa, Thư ký Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản; đại diện Văn Phòng JICA tại Việt Nam và một số doanh nghiệp của Nhật Bản.
Công tác khắc phục thiên tai được triển khai nhanh, hiệu quả
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc sở NN-MT Yên Bái thông tin: Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra 21 đợt thiên tai, làm 56 người chết, 46 người bị thương; hư hỏng, ảnh hưởng gần 28.500 căn nhà; thiệt hại gần 8.200 ha sản xuất nông, lâm nghiệp, trên 1.000 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn vỡ, 336.000 con gia súc, gia cầm bị chết.
Ngoài ra, nhiều công trình hạ tầng công cộng về giáo dục, y tế, thủy lợi bị thiệt hại; 30 công trình nước sạch nông thôn bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập úng gây chia cắt… Ước tính thiệt hại khoảng hơn 5.700 tỷ đồng.

Tỉnh Yên Bái thiệt hại khoảng hơn 5.700 tỷ đồng do thiên tai trong năm 2024. Ảnh: Thanh Tiến.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh Yên Bái huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ gia đình gặp nạn, điều trị cho người bị thương. Bố trí nơi sinh sống tạm thời và cung cấp vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống. Rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn và phải di dời khẩn cấp với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng.
Công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp được gấp rút triển khai, đã hỗ trợ đối với giống cây trồng, sản xuất nông, lâm nghiệp; nuôi thủy sản; gia súc, gia cầm với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng.
Trong đợt bão số 3, trên địa bàn có 5 tuyến đê bị hư hỏng, tỉnh Yên Bái đã đầu tư 14,2 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa bằng nguồn vốn Quỹ Phòng, chống thiên tai.
Đặc biệt, Yên Bái đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước để khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó phân bổ chi tiết 700 tỷ đồng cho 35 dự án sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai, đường giao thông và các hạ tầng thiết yếu khác.

Hàng trăm hộ dân đã được tái định cư sau thảm họa mưa bão. Ảnh: Thanh Tiến.
Ban vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận hơn 380 tỷ đồng từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức cá nhân. Hiện đã phân bổ cho các địa phương hỗ trợ khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Tiếp nhận 35 khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp của các tổ chức quốc tế với tổng số kinh phí tiếp nhận viện trợ hơn 170 tỷ đồng, đến nay tỉnh đã phê duyệt 34 khoản viện trợ quốc tế để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng thiệt hại.
Cần trang bị hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm
Đoàn công tác Nhật Bản đã đi thăm, khảo sát hiện trường khu vực sạt lở đất nghiêm trọng tại thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên. Trong đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 9/2024, tại đây đã xảy ra vụ sạt lở núi làm 9 người chết, 8 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 28 nhà phải di dời làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Sau hơn 8 tháng, hiện nay khu vực này vẫn còn ngổn ngang đất đá và dấu vết của những ngôi nhà đã bị sập đổ. Các hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng đã được di chuyển đến nơi tái định cư mới cách đó hơn 1km. Người dân đã san gạt một số diện tích đất đá để trồng sắn nhằm khôi phục sản xuất.

Vết sạt lở ngổn ngang tại thôn Át Thượng sau 8 tháng khi xảy ra thiên tai. Ảnh: Thanh Tiến.
Trong chuyến khảo sát, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở NN-MT Yên Bái đã kiến nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-MT) và đoàn công tác Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Qua đó nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai, giúp cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai thực hiện tốt hơn. Huy động các nguồn lực của các nhà tài trợ quốc tế trong việc hỗ trợ người dân ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Dấu tích còn lại của trận sạt lở núi. Ảnh: Thanh Tiến.
Bên cạnh đó, nghiên cứu hỗ trợ xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất các khu vực thuộc tỉnh Yên Bái. Đề nghị JICA xem xét hỗ trợ thực hiện dự án thí điểm về gia cố sạt lở mái dốc theo tiêu chuẩn của Nhật Bản hoặc xây dựng thí điểm đập Sabo ở lưu vực có nguy cơ cao về lũ bùn đá ở Yên Bái.
Cam kết chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ phù hợp
Tại buổi làm việc, ông Shin Ishikawa, Thư ký Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã gửi lời chia buồn tới các gia đình có người thiệt mạng và bị thương do thiên tai. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực trong công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa bão của các cấp chính quyền.

Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trong công tác khắc phục và phòng tránh thiên tai. Ảnh: Thanh Tiến.
“Chúng tôi cũng đã chứng kiến và trải qua nhiều đợt thiên tai lớn tại Nhật Bản. Sau mỗi thảm họa sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc khắc phục hậu quả. Vì vậy, trong phạm vi có thể, phía Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ tối đa trong công tác khắc phục và các biện pháp phòng tránh lâu dài”, ông Shin Ishikawa chia sẻ.
Theo ông Shin Ishikawa, năm 2024, tỉnh Yên Bái đã gánh chịu nhiều thiệt hại về người và của do mưa bão. Vì vậy, chúng tôi đến đây trực tiếp thị sát hiện trường thực tế để có những nhận định, đánh giá đúng mức độ về quy mô, tính chất nguy hiểm. Từ đó có thể góp ý, hỗ trợ thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong thời gian tới.
Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-MT Việt Nam thực hiện các biện pháp xây dựng bản đồ dự báo để phân định các vùng có nguy cơ rủi ro cao, giúp chính quyền và người dân kịp thời phòng tránh khi có tình huống xảy ra.