Di dời người dân đến nơi an toàn
Nhà anh Nguyễn Văn Dân, thôn Cốc Tào, xã Nà Phặc (tỉnh Thái Nguyên) có mái taluy dương cao phía sau. Thời gian gần đây, mỗi khi mưa lớn bắt đầu có hiện tượng sạt lở mức độ nhẹ. Nhận thấy nguy hiểm, gia đình không sinh hoạt, ngủ ở hai gian phòng phía sau giáp taluy.
“Ngôi nhà hàng xóm có cùng dãy taluy dương đã sạt lở nghiêm trọng, phải di dời đi chỗ khác. Do ảnh hưởng cơn bão, khi có mưa gia đình không cho ai đi lại gần khu vực có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn”, anh Dân cho biết.

Nhà anh Nguyễn Văn Dân ở dưới mái taluy cao, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Ảnh: Ngọc Tú.
Tại xã Cẩm Giàng, có 15 hộ sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Tất cả các hộ đã được lập danh sách di dời ngay, địa điểm sơ tán, phương tiện vận chuyển và lực lượng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết đã được xã chuẩn bị chu đáo.
Hiện nay, các công trình thủy lợi ở tỉnh Thái Nguyên đang tích nước đạt khoảng 65%, toàn tỉnh có 8 hồ đang hư hỏng nặng, 11 hồ đang trong giai đoạn thi công, sửa chữa, nâng cấp.
Ông Phùng Đình Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Giàng, cho biết: Từ khi có thông tin cơn bão số 3, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Quan trọng nhất là phải di dời người dân, đảm bảo an toàn tính mạng. Chúng tôi thực hiện trực 100% quân số, liên tục theo dõi diễn biến cơn bão.
“Theo kinh nghiệm nhiều năm nay, tại các xã miền núi thuộc tỉnh Bắc Kạn cũ, hoàn lưu sau bão thường gây mưa lớn, kéo theo tình trạng sạt lở đất, lũ quét. Do đó, chúng tôi đã xây dựng phương án, đảm bảo không bị động trong mọi tình huống”, ông Vinh cho biết thêm.
Các xã phía Bắc (tỉnh Bắc Kạn trước hợp nhất) của tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 384 điểm nguy cơ sạt lở đất, trong đó 200 điểm nguy cơ sạt lở rất cao, khoảng 2.000 hộ có nguy cơ hứng chịu sạt lở đất đá trong mùa mưa bão.

Nhiều hộ nguy cơ sạt lở cao đã được di dời đến nơi ở tạm. Ảnh: Ngọc Tú.
Đảm bảo an toàn hồ, đập
Những ngày qua, để ứng phó cơn bão số 3, tỉnh Thái Nguyên đã chuẩn bị các phương án vận hành an toàn hồ, đập. Hồ thủy lợi Bản Chang là công trình có quy mô khá lớn, hiện nay hồ đang đang được cải tạo, sửa chữa. Nhà thầu đang thi công tràn xả lũ và các hạng mục phụ trợ khác. Để đảm bảo an toàn, đơn vị vận hành hồ đã liên tục xả nước.

Hồ Núi Cốc xả nước qua tràn từ ngày 21/7. Ảnh: Quang Linh.
Ông Hứa Thế Đạt, Công ty Cổ phần Xây dựng 399 cho biết, công ty vừa thi công vừa phối hợp với đơn vị vận hành hồ đảm bảo mực nước ở mức an toàn khi có mưa lớn.
Chúng tôi cũng đã thông báo để người dân chủ động đảm bảo tài sản phía hạ lưu công trình. Toàn bộ vật tư, vật liệu, máy móc, lán trại của đơn vị thi công đã được di chuyển đến chỗ cao hơn.
Ngày 21/7, mực nước ở hồ Núi Cốc ở cao trình +44,49m, để chủ động ứng phó với mưa lũ, Công ty khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã vận hành xả nước qua tràn, lưu lượng xả khoảng 250m3/s.
Khi thực hiện vận hành xả nước qua tràn, sẽ ảnh hưởng đến dọc hai bên bờ sông Công gồm các xã, phường: Đại Phúc, Tân Cương, Vạn Xuân, Trung Thành, Phổ Yên, Phúc Thuận, Thành Công, Sông Công, Bá Xuyên. Công ty khai thác thủy lợi Thái Nguyên thông báo đến chính quyền, người dân dọc hai bờ sông Công có biện pháp chủ động phòng, tránh.