
VRG sẽ khai thác 452 nghìn tấn mủ cao su trong năm nay. Ảnh: Thanh Sơn.
Mục tiêu tăng trưởng 8% của VRG vượt xa các chỉ tiêu kế hoạch đề ra (doanh thu tăng 4,5%, lợi nhuận tăng 4,7% so với năm 2024).
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, VRG đã dựa trên báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và chiến lược phát triển năm 2025, qua đó xây dựng một lộ trình rõ ràng với 12 giải pháp đồng bộ, tập trung vào các động lực tăng trưởng cốt lõi như cao su, khu công nghiệp, và tăng trưởng xanh. Những nỗ lực này không chỉ khẳng định vị thế của VRG trong ngành công nghiệp cao su mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.
Về tăng cường sản xuất và tiêu thụ cao su, trong năm 2025, VRG đặt mục tiêu khai thác 452.000 tấn mủ cao su (tăng 1,5% so với 2024), với giá bán bình quân 40,8 triệu đồng/tấn (tăng 5,8% so với kế hoạch 2024). Việc tối ưu hóa chi phí sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt sang EU thông qua tuân thủ Quy định chống phá rừng (EUDR), sẽ giúp lĩnh vực cao su đóng góp 4-5% vào mục tiêu tăng trưởng của VRG.
Trong giải pháp đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, với kế hoạch cho thuê mới 206 ha đất khu công nghiệp (tăng 338,9% so với 2024), VRG kỳ vọng lĩnh vực này sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn.
Các dự án trọng điểm như Nam Tân Uyên mở rộng (346 ha) và Hiệp Thạnh giai đoạn I (495ha) nếu hoàn thành đúng tiến độ có thể tăng doanh thu khu công nghiệp lên 1.500-2.000 tỷ đồng, đóng góp 2-3% vào mục tiêu tăng trưởng. Việc thành lập Ban Phát triển và Quản lý Khu công nghiệp cùng sự hỗ trợ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) sẽ giúp VRG tận dụng tối đa quỹ đất 4.628ha hiện có.
Về thúc đẩy tăng trưởng xanh và năng lượng tái tạo, VRG tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển bền vững với 215.624 ha rừng cao su được chứng nhận VFCS/PEFC và 471.000 tấn cao su thương hiệu VRG. Các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái (13 triệu kWh, giảm 8.800 tấn CO2), cùng tiềm năng tín chỉ carbon tại Lào và Campuchia, không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn tạo nguồn thu mới cho VRG, đóng góp khoảng 1-1,5% vào tăng trưởng.
Việc giảm tỷ lệ lao động gián tiếp xuống dưới 8% và triển khai Đề án Chuyển đổi số (hệ thống GIS.VRG, lưu trữ đám mây, quản lý văn bản số) sẽ giúp VRG tiết kiệm chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả vận hành. Những giải pháp này có thể đóng góp 1-2% vào lợi nhuận, đồng thời tạo nền tảng cho các lĩnh vực mới như nông nghiệp công nghệ cao (4.030ha, chủ yếu trồng chuối Cavendish).
Dù có chiến lược rõ ràng, VRG vẫn đối mặt với nhiều thách thức, như biến động giá mủ cao su, thị trường gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su chưa phục hồi, tiến độ chậm của một số dự án khu công nghiệp...
Do đó, để đảm bảo đạt mục tiêu 8%, VRG sẽ thực hiện các giải pháp như mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiêu thụ mủ cao su sang các thị trường mới như Đông Nam Á và Trung Đông, đồng thời hoàn thiện hệ thống EUDR cho tất cả công ty thành viên.
Bên cạnh đó là các giải pháp như đầu tư nâng cấp công nghệ và tìm kiếm thị trường thay thế để cải thiện doanh thu (dự kiến sản lượng gỗ tăng 7,5-190,9% so với 2024), đẩy nhanh tiến độ khu công nghiệp như ưu tiên giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng để đưa các dự án vào khai thác ngay trong quý I-II/2025, hợp tác với đối tác quốc tế để phát triển thị trường tín chỉ carbon, đặc biệt tại Lào và Campuchia.