
Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến đã có buổi tiếp và làm việc với bà Christine Middlemiss, Trưởng Cơ quan Thú y (CVO), Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ảnh: Phương Linh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận sự phối hợp của Trưởng Cơ quan Thú y Christine Middlemiss và các cán bộ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam trong suốt thời gian qua nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Thứ trưởng cho biết, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Việt Nam hiện đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản, với 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 7 mặt hàng vượt mốc 3 tỷ USD, bao gồm: gạo, rau quả, thủy sản, hạt điều, cà phê, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam trên toàn cầu.
Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị cơ quan hai nước tăng cường trao đổi thông tin, đặc biệt là lĩnh vực thú y về phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.
“Chúng tôi mong muốn tổ chức những cuộc trao đổi luân phiên, các doanh nghiệp của Việt Nam và Anh cùng chia sẻ để hiểu biết nhau hơn, từ đó giúp nông sản Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường Anh”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao chương trình chia sẻ vaccine giữa hai bên, đặc biệt là các sáng kiến liên quan đến thủy sản và chăn nuôi. Ảnh: Phương Linh.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đề nghị Vương quốc Anh ưu tiên triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo cán bộ chuyên môn của Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y; hỗ trợ tăng cường năng lực phòng thí nghiệm và hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất vaccin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bên cạnh đó, đề xuất phía Anh đưa các chuyên gia sang hỗ trợ trong khuôn khổ các chương trình nâng cao tiêu chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời phối hợp định kỳ tổ chức các tọa đàm kết nối doanh nghiệp nông nghiệp giữa hai nước, nhằm quảng bá và thúc đẩy thương mại các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam tại thị trường nội địa và Vương quốc Anh.
“Việc tổ chức tọa đàm thường niên sẽ góp phần cụ thể hóa các cam kết trong Bản ghi nhớ đã được ký giữa hai Bộ từ tháng 11/2022, đồng thời mở rộng kết nối giữa các doanh nghiệp trong cả thương mại lẫn đầu tư”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Về tiềm năng hợp tác, Việt Nam luôn nhất quán trong quan điểm điều phối lợi ích một cách hài hòa và sẵn sàng cùng chia sẻ rủi ro trong quá trình hợp tác. “Vương quốc Anh là một nền kinh tế lớn, phía Việt Nam sẵn sàng ủng hộ để ngày càng có nhiều mặt hàng của Anh được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng bày tỏ sự đồng tình trong việc thúc đẩy nhập khẩu thịt bò từ Vương quốc Anh vào Việt Nam với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

Bà Christine Middlemiss, Trưởng Cơ quan Thú y (CVO), Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ảnh: Phương Linh.
Về phần mình, bà Christine Middlemiss bày tỏ sự ấn tượng với những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển bền vững của Việt Nam và đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực thú y, an toàn dịch bệnh, và nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Christine Middlemiss chia sẻ thêm, Anh sẽ tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ nông nghiệp và môi trường Việt Nam. Đồng thời, phối hợp cùng Việt Nam để đẩy mạnh nghiên cứu về kháng kháng sinh trên gia cầm.
"Chính phủ Anh đã phân bổ 12 triệu bảng Anh cho Trường Đại học Stirling (Scotland) để triển khai hỗ trợ Trường Đại học Mê Kông trong nghiên cứu và phát triển vaccin cho cá basa - một dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nông sản cho cả hai quốc gia", bà chia sẻ.
“Phía Vương quốc Anh mong muốn được tiếp tục trao đổi sâu hơn về mặt kỹ thuật, hướng tới xây dựng một model phát triển cho ngành gà. Chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi kỹ hơn với phía Việt Nam tại Hội nghị của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) tổ chức tại Pháp vào tháng 5 tới đây”, bà Christine Middlemiss nói.
Trưởng Cơ quan Thú y Vương quốc Anh cũng đề nghị thúc đẩy nhập khẩu thịt bò vào Việt Nam với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.