Trong bức tranh rộng lớn của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam, cá rô phi từng là một nét chấm mờ nhạt - một loài cá không được kỳ vọng. Người ta từng nói về cá rô phi với một chút ngán ngẩm: Bé, nhiều xương, ăn thì chẳng ngon, chẳng ai buồn mua. Ấy vậy mà giờ đây, qua lăng kính phát triển mới, rô phi đang dần trở thành một điểm sáng, mở ra những cơ hội mới cho ngành thủy sản nước ta.
Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam tuy có sản lượng lớn nhưng hiệu quả kinh tế chưa tương xứng, bài toán giá trị luôn khiến nhà hoạch định chính sách và người nuôi trăn trở. Giá bán thấp, rủi ro dịch bệnh, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường quốc tế… tất cả tạo thành sức ép buộc chúng ta phải suy nghĩ khác đi, phải nhìn ra những khoảng không còn “bỏ ngỏ” và biết khai thác đúng lúc, đúng cách. Đó cũng là lúc người ta bắt đầu quay lại nhìn rô phi với một ánh mắt khác, nhiều kỳ vọng hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà cá rô phi lại được gọi là “cá của tương lai” trong nhiều hội nghị thủy sản quốc tế. Với tiềm năng lớn để gia tăng sản lượng; nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ngày càng cao; có thể nuôi kết hợp hoặc luân canh với tôm nước lợ không những tạo sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiểm soát dịch bệnh trên tôm nuôi; phù hợp trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng kéo theo gia tăng xâm nhập mặn…; rô phi đang trở thành một "lời giải khả thi" trong chiến lược đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
Thế giới đang thay đổi và thị trường tiêu dùng cũng vậy. Xu hướng thương mại đối với cá rô phi đang tăng trưởng khi người tiêu dùng nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng ưa chuộng loài này. Kể từ năm 2010 đến nay, sản lượng tiêu thụ rô phi toàn cầu tăng đều 5,4% mỗi năm. Dự báo thị phần của cá rô phi trên thế giới có thể đạt tới 14,5 tỷ USD trong tương lai gần - một con số không hề nhỏ nếu so với thị phần tối đa của ngành tôm, hiện ở mức khoảng 25 tỷ USD.
Để hiểu được hành trình của rô phi Việt, phải nhìn lại từ quá khứ. Vào đầu những năm 1990, khi nói đến rô phi, người dân Việt Nam vẫn chỉ nghĩ đến thứ cá “toàn xương”, rẻ tiền, mụa hay bán đều không ai thực sự mặn mà. Thế rồi, một bước ngoặt diễn ra khi cá rô phi vằn được di nhập, giống cá này có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn nhiều so với rô phi đen bản địa. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ sản xuất cá đơn tính giúp nuôi hiệu quả hơn, thương phẩm tốt hơn, từ đó, hình ảnh cá rô phi trong mắt người dân dần thay đổi. Tiền đề quan trọng gây dựng các bước phát triển rô phi trong mấy chục năm qua.
Đến đầu những năm 2000, ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu nuôi dưỡng một khát vọng lớn hơn: Kỳ vọng đưa cá rô phi trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đề án phát triển nuôi cá rô phi giai đoạn 2003 - 2010 ra đời, với mục tiêu đến năm 2010 đạt sản lượng 200.000 tấn, trong đó 50% dành cho xuất khẩu, giá trị xuất khẩu khoảng 160 triệu USD. Nhưng giấc mơ ấy đã chưa thể thành hiện thực vì nhiều nguyên nhân: Giống chưa đủ tốt, thức ăn công nghiệp chưa đủ sẵn, thiếu doanh nghiệp đầu tàu, thiếu các hành động cụ thể, thiết thực...
Dẫu chưa thành công, nhưng không hẳn là thất bại. Bởi chính những bước đi ban đầu ấy đã giúp Việt Nam học được bài học về phát triển có chiều sâu. Và giờ đây, sau hơn 30 năm nhìn lại, vai trò của rô phi trong cơ cấu ngành đã có một chỗ đứng nhất định.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), kim ngạch xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2024 đã đạt 41 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó. Diện tích nuôi tăng từ hơn 19.000 ha năm 2012 lên 42.000 ha năm 2024. Dù vẫn những con số này còn khá khiêm tốn nhưng đã thể hiện niềm tin trở lại của người nuôi và doanh nghiệp. Đặc biệt, sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu được xem là dấu hiệu tích cực nhất, là mảnh ghép còn thiếu trong bài toán thị trường.
Điều quan trọng hiện nay là phải làm đúng ngay từ đầu. Liên kết vùng nuôi - nhà máy chế biến - xuất khẩu phải thành một chuỗi gắn bó chặt chẽ, không thể mạnh ai nấy làm, không thể nuôi xong mới tìm đầu ra. Nếu lặp lại cách làm cũ: Tự phát, luẩn quẩn câu chuyện tự cạnh tranh trong nội tại, làm xấu hình ảnh sản phẩm..., thì cá rô phi dù tiềm năng lớn đến đâu cũng khó có thể bật lên.
Chiến lược phát triển rô phi trong giai đoạn mới đòi hỏi một tư duy khác: Không chạy theo số lượng, mà phải lấy chất lượng làm đầu; không phát triển ồ ạt, mà từng bước chắc chắn, bền vững. Doanh nghiệp phải là trung tâm dẫn dắt, Nhà nước là người mở đường bằng chính sách kịp thời và phù hợp thực tiễn.
Và trên hết, cá rô phi Việt Nam phải có hồn - một con cá không chỉ ngon và bổ, mà còn mang theo câu chuyện riêng, thương hiệu riêng, bản sắc riêng, điều làm nên sự khác biệt của “cá rô phi made in Vietnam” trên thị trường toàn cầu.