| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam hướng đến hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân

Thứ Năm 15/10/2015 , 15:45 (GMT+7)

Các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam từng bước được mở rộng về phạm vi, đối tượng, mức hưởng và ngày càng nhận được sự ủng hộ, tham gia của cá nhân, cộng đồng dựa trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ và tương trợ.

Với chủ đề “An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo” lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới lần thứ 35 đã diễn ra sáng 15/10, tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Chương trình do Bộ NN - PTNT, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai đồng tổ chức.

Chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới năm nay nhằm nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, cải thiện đời sống để phát triển bền vững, đặc biệt ở vùng nông thôn. Hệ thống an sinh xã hội cần được lồng ghép vào các hoạt động ưu tiên trong kế hoạch phát triển KT - XH của các quốc gia – đó cũng là một trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) do Liên hợp quốc phát động “chấm dứt đói nghèo ở mọi hình thức và mọi nơi”.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ông Jong-Ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, mặc dù hiện các quốc gia đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo nhưng thế giới vẫn đang đối phó với nhiều thách thức.

“Với đa số những người nghèo và đói đều sống ở các vùng nông thôn và phụ thuộc vào SXNN, việc kết hợp an sinh xã hội với các chương trình phát triển nông nghiệp rất có sức thuyết phục.  Đó là lý do tại sao FAO chọn an sinh xã hội và nông nghiệp làm chủ đề cho Ngày Lương thực Thế giới năm nay. Chúng ta cùng quyết tâm phá vỡ vòng xoáy đói nghèo ở nông thôn bằng cách liên kết an sinh xã hội với các bước cải tiến trong SXNN có hỗ trợ khi xảy sự cố”, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam nói.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc vừa công bố tháng 9/2015 tại Phiên họp Đại hội đồng, thế giới vẫn còn khoảng 1 tỷ người nghèo, trong đó nhiều người còn thiếu lương thực và 78% người nghèo sống ở vùng nông thôn, nơi mà hoạt động sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế nông thôn.

“Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể đã được các quốc gia thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Việt Nam và các nước đang phát triển đã ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vào Chương trình nghị sự nhiều nội dung về phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị và góp phần vào sự tiến bộ chung của toàn xã hội.

Liên hợp quốc khẳng định việc xóa đói sẽ hỗ trợ tích cực cho giảm nghèo và góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trên toàn cầu.

Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này cũng kêu gọi lãnh đạo các nước đầu tư phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo nguồn lương thực và công ăn việc làm cho cộng đồng. Liên hợp quốc cho rằng các biện pháp chính để xóa đói, giảm nghèo là cải thiện mối liên kết giữa nông dân với thị trường, tăng thu nhập cho nông dân và hạn chế lãng phí lương thực, nhất là tổn thất sau thu hoạch.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Quốc Doanh cũng bày tỏ sự cảm ơn FAO và cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ về mặt kỹ thuật đối với lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời cam kết Việt Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Việt Nam là quốc gia mà nông nghiệp có một vị trí rất quan trọng, quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực, góp phần tích cực vào giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi, bằng khoảng 70% lao động của cả nước nhưng chỉ đóng góp 20% trong GDP.

Trong vòng 30 năm trở lại đây, các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam từng bước được mở rộng về phạm vi, đối tượng, mức hưởng và ngày càng nhận được sự ủng hộ, tham gia của cá nhân, cộng đồng dựa trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ và tương trợ.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn hàng đầu của thế giới đối với các ngành hàng gạo, tiêu, hạt điều, sắn, chè, cao su, và một số sản phẩm thủy sản. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 6% năm 2014. Tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc giảm từ 45,6%  giai đoạn 1990-1992 xuống còn 11% giai đoạn 2014-2016.

Bên cạnh những thành tựu to lớn, một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là vẫn còn tỷ lệ không nhỏ người nghèo, dân số suy dinh dưỡng của cả nước bị đói, bị tụt hậu và không được chia sẻ những lợi ích do tăng trưởng kinh tế đem lại. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giữa nông thôn và thành thị đã dần thu hẹp, nhưng khoảng cách vẫn còn lớn (10,8% so với 3%). Phần lớn người nghèo, suy dinh dưỡng tập trung ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Bộ NN – PTNT cho rằng, nâng cao hiệu quả và vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, cải thiện đời sống, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững đặc biệt ở vùng nông thôn đang là vấn đề lớn cần được quan tâm đặc biệt.

Với chủ đề của ngày lương thực thế giới năm nay, Việt Nam đang nỗ lực hành động để hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành một hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật, người nghèo…; bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin…ở mức tối thiểu, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị và phát triển KT - XH.

Sau lễ kỷ niệm, các đại biểu đi thăm quan lớp tập huấn về trồng trọt tại hiện trường để giới thiệu các biện pháp nâng cao năng suất nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

  • Tags:
Xem thêm
Đảm bảo công lý khí hậu và công lý lương thực

Kết luận phiên thảo luận cấp Bộ trưởng tại Hội nghị P4G, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, chuyển đổi hệ thống lương thực không còn là câu chuyện của từng quốc gia.