Xây dựng gần 400 điểm thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV thải loại
Chủ Nhật 20/04/2025 , 08:56 (GMT+7)
Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang xây dựng 277 hố bê tông, 120 hố đá chứa vỏ chai, thuốc BVTV để người dân tập kết các loại rác thải gom xử lý.
Phụng Hiệp xây dựng gần 400 hố đất và hố đá để xử lí rác thải
Canh tác gần 5ha sầu riêng, mỗi năm anh Nguyễn Thanh Trung ở xã Long Thạnh huyện Phụng Hiệp sử dụng gần 4 tấn phân bón và thuốc BVTV. Lượng rác thải bao bì và vỏ chai thuốc BVTV thải ra gần 30kg. Nếu thời điểm trước Trung bỏ hẳn ngoài vườn hoặc thu lượm về đốt. Nhưng khoảng hai năm trở lại đây được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, phân tích những tác hại của việc xử lý rác thải nông nghiệp không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chính sức khỏe các thành viên trong gia đình nên Anh Trung đã chịu khó thu nhặt về xử lý đúng nơi quy định.
Phát biểu Anh NGUYỄN THANH TRUNG - Xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang: “Mình xịt 1 lần bỏ 50-60 chai thuốc BVTV nên mỗi lần sử dụng khá nhiều thuốc BVTV, mỗi lần xịt có thể vài chục chai nếu bỏ ngoài vườn thì nhìn không đẹp. Chưa kể bỏ ngoài vườn lỡ dẵm đạp phải rất nguy hiểm, bởi thuốc sâu khi nhiễm trùng khó xử lý. Nên mình thu gom về để cho anh em đi vườn cũng an tâm hơn”
Hiện nay, toàn huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 40.000 ha, theo thống kê hàng năm nông dân trong huyện sử dụng và phát thải ra hơn 30 tấn vỏ chai thuốc BVTV, trong đó chỉ có khoảng 20% được nông dân đã chủ động bỏ vào các hố chứa, số còn lại vẫn chưa xử lý đúng quy định. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 huyện sẽ tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý ít nhất là 30% khối lượng phát sinh.
Phát biểu: Ông Lê Như Lê, phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang: Từ đề án Hậu Giang xanh hiện nay chúng tôi sẽ tổ chức xây dựng 277 hố vỏ chai thuốc BVTV, cùng với 120 hố đã xây dựng trước đó để tạo điều kiện người dân xử lý loại rác này đúng quy định. Sau đó chúng tôi sẽ có cái đội đi thu gom loại rác này tập kết nơi quy định để các đơn vị có chức năng mang đi tiêu hủy rác nguy hại.
Xử lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nông nghiệp nói riêng đang là yêu cầu cấp bách hiện nay. Các địa phương trong tỉnh Hậu Giang cũng đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần bảo vệ môi môi trường. Tuy nhiên, để ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ rác thải nông nghiệp, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Chỉ khi mỗi người dân đồng hành và chủ động trong việc xử lý rác thải nông nghiệp đúng cách, thì môi trường sống mới thật sự được bảo vệ một cách bền vững.