Vẫn còn tình trạng vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng
Thứ Bảy 17/05/2025 , 09:55 (GMT+7)
Sau khi sử dụng, nhiều người dân ở Nam Định có thói quen vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại bờ ruộng, sông, ngòi… làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.
Lead: Sau khi sử dụng, nhiều người dân ở Nam Định có thói quen vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại bờ ruộng, sông, ngòi… làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.
Đây là những hình ảnh bắt gặp trên những cánh đồng tại tỉnh Nam Định, thời điểm này, bà con nông dân đang phun các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng. Tình trạng vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên đồng ruộng và lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư từ đây, cũng sẽ ngấm vào đất, vào nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người.
Bà Hoàn Thị Sâm, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, Nam Định:
“Có ô nhiễm chứ rồi người ta bắt con cua, con cá ăn thì cũng ô nhiễm rồi ung thư nhiều cũng là vì vậy quá ô nhiễm luôn.”
Bà Nguyễn Thị Tám, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, Nam Định:
“Nhiều các cánh đồng ở nơi khác họ không chấp hành, họ bỏ lung tung thì rất là mất vệ sinh, các thuốc trừ sâu nó ngấm xuống nguồn nước chúng ta sử dụng nguồn nước ấy sẽ mất vệ sinh.”
Theo số liệu thu thập được, trung bình mỗi năm, nông dân tại Nam Định sử dụng khoảng 600 tấn thuốc bảo vệ thực vật để phun cho lúa và các loại hoa màu. Để bảo vệ môi trường, nhiều nơi ở Nam Định đã xây dựng các bể chứa đặt tại các cánh đồng hay nơi gần nguồn nước, thuận tiện cho bà con nông dân.
Ông Vũ Duy Lân, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, Nam Định:
“Từ ngày có cái bể tới giờ thì ông và những người xung quanh đây thì họ cứ thu gom nhân dân rất tiện, đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Hiện tỉnh Nam Định đã xây dựng được hơn 20.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đặt trên các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng, bờ mương. Mô hình phần nào đã mang lại hiệu quả tích cực, ý thức nông dân cũng được nâng lên, lượng rác thải độc hai vứt ra ngoài môi trường cũng giảm dần. Tuy nhiên, nhiều nơi ở Nam Định cần phải triệt để thực hiện từ tuyên truyền tới thực hiện xây dựng bể chứa để nông dân không còn thói quen “tiện đâu vứt đấy”.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chi cục trưởng Trồng trọt và BVTV tỉnh Nam Định:
“Một số nơi vẫn tận dụng các bể để thu gom thôi còn chưa đúng quy định cũng mong trong thời gian tới các địa phương cũng quan tâm đầu tư kinh phí trang bị đủ số bể cũng như đúng quy cách của bể . ”
Ngành nông nghiệp Nam Định khuyến cáo bà con nông dân cần sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách để giảm thiểu tác động xấu đối với cây trồng, đồng thời sau khi sử dụng xong cần thu gom vỏ thuốc bỏ vào đúng nơi quy định, không nên vứt bừa bãi ra ngoài môi trường.