Sạt lở bờ bao sông Sài Gòn: Giải pháp tạm thời không đủ giữ đất
Thứ Bảy 19/07/2025 , 09:30 (GMT+7)
Gần một tháng sau sự cố sạt lở nghiêm trọng tại xã Bình Mỹ, nhiều hộ dân vẫn chưa thể trở về nhà. Vụ việc cho thấy TP.HCM cần sớm có giải pháp bền vững để phòng ngừa sạt lở tại hơn 40 điểm xung yếu ven sông.
Sạt lở bờ bao sông Sài Gòn: Giải pháp tạm thời không đủ giữ đất
Gần một tháng sau sự cố sạt lở nghiêm trọng tại xã Bình Mỹ, nhiều hộ dân vẫn chưa thể trở về nhà. Vụ việc cho thấy TP.HCM cần sớm có giải pháp bền vững để phòng ngừa sạt lở tại hơn 40 điểm xung yếu ven sông.
Gần một tháng sau sự cố sạt lở nghiêm trọng kéo dài hơn 70 mét bờ bao sông Sài Gòn tại xã Bình Mỹ, 6 hộ dân sinh sống sát mép sông vẫn chưa thể trở về nhà. Khu vực này vốn là nơi người dân gắn bó hàng chục năm nhưng giờ trở nên hoang vắng và bất ổn. Dù chính quyền đã khẩn trương gia cố tạm thời, nỗi lo đất tiếp tục trượt, nước tràn vào nhà khiến người dân chưa thể yên tâm sinh sống.
Ông Lê Văn Hoài, Xã Bình Mỹ, TP.HCM:Lúc trước nó chỉ sụt lún và nứt thôi chứ không bị sạt lở nhưng bữa nay. Bị như thế này, chúng tôi rất bất an và sợ sệt, nước tràn vô nhà. Anh em không ai dám ngủ hết trơn, thức gần hết.
Sự cố sạt lở ở xã Bình Mỹ không phải là trường hợp đơn lẻ. Trên toàn tuyến sông, hiện vẫn còn hàng chục điểm sạt lở được đánh giá là nguy hiểm, có thể đe dọa nhà cửa, tài sản và tính mạng người dân bất cứ lúc nào. Dù các đơn vị chuyên môn đã liên tục gia cố bằng các biện pháp nhưng đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính "chữa cháy".
Hệ thống bờ bao vốn xuống cấp, trong khi biến đổi khí hậu, triều cường và dòng chảy ngày càng gây áp lực lớn lên kết cấu các công trình bảo vệ bờ. Nhiều vị trí cần được theo dõi sát và có phương án gia cố bền vững, nếu không muốn kịch bản sạt lở tiếp tục tái diễn trên diện rộng.
Anh Lê Thanh Tấn, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thủy lợi TP.HCM:Khu vực trên sông Sài Gòn thì có rất nhiều điểm có nguy cơ xung yếu và nó gây ảnh hưởng đến sạt lở. Cần phải được chăm sóc thường xuyên, gia cố, nâng cấp để đảm bảo công trình phục vụ lâu dài. Chúng tôi cũng đã có gia cố cừ dừa, cừ tràm, đắp đất rồi tăng cường đắp bờ môi, gia cố chân, đặc biệt những vị trí xung miếu để để để tránh cái tình trạng sạt lở nặng và nó nó nhiều.
TP.HCM hiện có hơn 40 điểm có nguy cơ sạt lở dọc theo các tuyến sông lớn như sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Vàm Thuật… Sự cố tại xã Bình Mỹ là lời cảnh báo mang tính cấp thiết trong việc rà soát lại toàn bộ các điểm xung yếu trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, cần tập trung kiểm tra các tuyến bờ bao đã xây dựng từ lâu năm, hiện đang có dấu hiệu xuống cấp, mất ổn định nền móng. Việc phát hiện và có phương án gia cố, nâng cấp từ sớm, từ xa là cách duy nhất để chủ động phòng ngừa sạt lở, thay vì bị động khắc phục sau khi sự cố đã xảy ra, khi thiệt hại đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ông NGUYỄN ĐỨC VŨ, Chánh Văn phòng BCH Phòng thủ dân sự - PCTT và TKCN TPHCM:Việc xử lý gia cố các vị trí này đòi hỏi phải có cái giải pháp tương đối là lâu dài, căn cơ, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo về vấn đề tính mạng, tài sản người dân trong khu vực xung yếu. Thành phố cũng đã giao cho các địa phương cũng như là các Ban quản lý dự án làm chủ đầu tư các cái vị trí này để mà khẩn trương sớm đưa vào sử dụng để đảm bảo đến ổn định cuộc sống của người dân.
Để bảo vệ an toàn cho người dân và giữ gìn hệ thống bờ bao trước áp lực ngày càng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, TP.HCM cần sớm triển khai các giải pháp bền vững, từ rà soát, cảnh báo đến đầu tư hạ tầng phòng ngừa.