
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ảnh: TTXVN.
Sáng 3/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, cho ý kiến về tình hình, tiến độ thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc lấy ý kiến nhân dân về các đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã đã hoàn tất trên phạm vi toàn quốc. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho biết, tỷ lệ đồng thuận trung bình đạt khoảng 96%. Đồng thời, 100% Hội đồng nhân dân các cấp từ xã, huyện đến tỉnh đã thông qua các đề án này bằng nghị quyết, thể hiện sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị địa phương.
Trên cơ sở tổng hợp từ các địa phương, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp dự kiến sẽ giảm mạnh, từ 10.035 xuống còn hơn 3.320 đơn vị, tương đương mức giảm khoảng 66,91%. Mức giảm sâu nhất ghi nhận ở một địa phương là 76,05%, trong khi mức thấp nhất là 60%.
Liên quan đến hệ thống tổ chức đảng, phương án sắp xếp đặt mục tiêu giảm số lượng đảng bộ tỉnh, thành phố từ 63 xuống còn 34, tức cắt giảm 29 đơn vị. Cùng với đó là việc tinh gọn hơn 260 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh; kết thúc hoạt động của 694 đảng bộ cấp huyện và hơn 4.160 cơ quan, đơn vị cấp huyện trực thuộc cấp ủy. Ở cấp xã, sẽ thành lập mới hơn 3.320 tổ chức đảng (gồm 2.595 đảng bộ xã, 713 phường và đơn vị đặc khu), kéo theo việc thiết lập tối đa 10.660 cơ quan, đơn vị trực thuộc đảng ủy cấp xã.
Về nguồn nhân lực, sau sắp xếp, biên chế cán bộ, công chức cấp tỉnh (gồm khối Đảng, chính quyền, đoàn thể) dự kiến giảm hơn 18.440 người so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2022. Ở cấp xã, tổng số cán bộ, công chức sẽ giảm hơn 110.780 người do tinh giản, sắp xếp vị trí việc làm và thực hiện chế độ nghỉ theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ chấm dứt hoạt động.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng được tinh gọn mạnh mẽ, với số lượng đầu mối giảm sâu: 90 đơn vị cấp vụ ở Trung ương, 344 cấp sở ở địa phương và 1.235 đầu mối cấp phòng. Đối với các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, sẽ giảm 215/284 đầu mối nội bộ.
Trong khi đó, khoảng 22.350 biên chế sẽ được điều chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã để phù hợp với mô hình hành chính mới, hướng mạnh hoạt động về cơ sở và khu dân cư.
Chi trả chế độ chính sách kịp thời và đầy đủ, bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ Trung ương đến địa phương được triển khai bài bản, đồng bộ và từ rất sớm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời đưa ra những định hướng chủ trương cụ thể, giao rõ nhiệm vụ cho các cấp, đồng thời ban hành đầy đủ các quy định và hướng dẫn chi tiết. Nhờ đó, hành lang pháp lý đã được thiết lập vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động triển khai.
Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương sắp xếp được thực hiện sâu rộng và nhất quán, góp phần nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt, đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, cho ý kiến về tình hình, tiến độ thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp. Ảnh: TTXVN.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư đánh giá, quá trình sắp xếp bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực: tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương cơ bản được kiện toàn; cải cách hành chính tiếp tục được thúc đẩy; bộ máy tinh gọn hơn giúp tiết kiệm ngân sách; không gian phát triển kinh tế - xã hội được mở rộng; quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Cùng với đó là những đột phá trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao vị thế quốc gia.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất với nhiều đề xuất, kiến nghị trong các báo cáo trình lên, đồng thời yêu cầu toàn hệ thống chính trị giữ vững quyết tâm, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nội dung theo kết luận, kế hoạch và chỉ đạo của Trung ương. Việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được triển khai đúng tiến độ, yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW. Đặc biệt, cần chú trọng chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự tại những địa phương có thực hiện sáp nhập hoặc hợp nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm tâm lý ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh tổ chức lại bộ máy. Chính sách đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp phải được thực hiện đầy đủ, đúng quy định hiện hành. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, ủng hộ và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình hành chính, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa tài liệu theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 là hết sức cần thiết. Đây là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công trong suốt quá trình trước, trong và sau sắp xếp.
Cuối cùng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt lưu ý các cấp, ngành cần bảo đảm nguồn lực tài chính phù hợp, thực hiện chi trả chế độ chính sách một cách kịp thời và đầy đủ, bảo đảm quyền lợi cho những cá nhân, tổ chức bị tác động bởi quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng quy định của pháp luật.