
Vở kịch "Lệ Chi Viên" tái dựng từ vở kịch "Bí mật vườn Lệ Chi".
“Lệ Chi Viên” công diễn những ngày đầu tháng 5 tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM, đã lập tức thu hút đông đảo khán giả trẻ. Vở kịch “Lệ Chi Viên” do đạo diễn Quang Thảo cầm trịch, như một cách làm mới cho vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” mà Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc đã dàn dựng rất thành công cách đây một phần tư thế kỷ.
Đối với đại đa số người Việt Nam, vụ án Lệ Chi Viên xảy ra gần 600 năm trước, không quá xa lạ. Ngày 27/7/1442, vua Lê Thái Tông đi tuần miền Đông và giám sát duyệt binh ở thành Chí Linh, Hải Dương. Lúc ấy Nguyễn Trãi đã cáo quan quy điền, có lời cung thỉnh vua Lê Thái Tông ghé thăm chốn nhàn cư của mình ở Côn Sơn. Người thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ đã thay mặt phu quân đi đón hoàng thượng. Đêm 4/8/1442, khi xa giá dừng nghỉ qua đêm tại Lệ Chi Viên thuộc địa phận Gia Bình, Bắc Ninh, đột ngột vua Lê Thái Tông băng hà.
Các tùy tùng đã đưa linh cữu vua Lê Thái Tông về kinh sư an táng. Ngay sau khi Thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên nối ngôi (vua Lê Nhân Tông) thì triều đình lập tức kết tội Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ thực hiện âm mưu giết vua Lê Thái Tông. Lý do mà các viên quan cùng đưa ra là đêm vua qua đời ở Lệ Chi Viên, chỉ có Nguyễn Thị Lộ hầu hạ bên cạnh. Nguyễn Trãi nhận án tru di tam tộc vào ngày 16/8/1442. Mãi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, đồng thời ca ngợi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Lòng dạ Ức Trai sáng tựa sao Khuê). Ức Trai là một bút danh thường dùng của Nguyễn Trãi, một trong những tác phẩm của Nguyễn Trãi lưu lại cho hậu thế có tên gọi “Ức Trai thi tập”.

"Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo".
Xung quanh vụ án Lệ Chi Viên có nhiều giai thoại được truyền tụng, mà nổi tiếng nhất là sự tích dân gian “Rắn báo oán”. Tuy nhiên, theo học giả Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) thì “Rắn báo oán” chỉ là câu chuyện do tầng lớp Nho sĩ sáng tác, nhằm huyền thoại hóa tấn thảm kịch của Nguyễn Trãi, xóa mờ sự thật về tấn thảm kịch ấy, để có một cách giải thích hợp với lý trí trước cái chết oan khốc của một danh nhân như Nguyễn Trãi. Cho nên, “Rắn báo oán” có những yếu tố hoang đường làm méo mó hình ảnh nữ sĩ tài hoa Nguyễn Thị Lộ.
Vụ án Lệ Chi Viên từng được phản ánh trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, như tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh” của Võ Khắc Nghiêm, truyện ngắn “Nguyễn Thị Lộ” của Nguyễn Huy Thiệp. Thậm chí, nhiều tác giả nước ngoài cũng quan tâm góc khuất lịch sử này, có thể kể đến tiểu thuyết “Vạn Xuân” của nữ sĩ Pháp Yveline Féray.
Kịch bản “Bí mật vườn Lệ Chi” được nhà văn Hoàng Hữu Đản (1922-2012) hoàn thành năm 1980. Vốn là một chuyên gia văn học Pháp, nhà văn Hoàng Hữu Đản từng chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt và chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt sang tiếng Pháp.
Nhà văn Hoàng Hữu Đản đã dành thời gian hơn 10 năm để viết “Bí mật vườn Lệ Chi”. Kịch bản “Bí mật vườn Lệ Chi” được trao giải thưởng Hội Sân khấu Việt Nam năm 1980, nhưng mãi đến năm 2000 mới được Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc đưa lên sàn diễn.
Sau đợt công diễn ra mắt, vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” tiếp tục được công diễn thêm hai đợt vào năm 2007 và năm 2012, đều nhận được sự tán thưởng của giới mộ điệu. Không ngoa ngôn, có thể khẳng định, "Bí mật vườn Lệ Chi" đã trở thành một tác phẩm kinh điển của sàn diễn kịch nghệ TP.HCM.

Thái giám Tạ Thanh và thái hậu Nguyễn Thị Anh trên sân khấu.
Trong gia tài kịch bản sân khấu của nhà văn Hoàng Hữu Đản, thì “Bí mật vườn Lệ Chi” là tác phẩm ông tâm huyết hơn cả hai vở kịch lịch sử khác là “Người con gái Nguyễn Du” và “Gặp gỡ tất yếu” (nói về quan hệ giữa vua Quang Trung với danh sĩ Ngô Thì Nhậm). Ở lời mở đầu kịch bản “Bí mật vườn Lệ Chi”, nhà văn Hoàng Hữu Đản bày tỏ: “Vụ án này không phải là vấn đề “oan hay không oan” của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, bởi đây thực chất không phải là một vụ án. Cái mà lịch sử gọi là “vụ án vườn Lệ Chi” là một vấn đề khác. Vụ án vườn Lệ Chi đúng nghĩa là màn kết thúc sơ bộ của một âm mưu đảo chính, giành giật và củng cố ngôi báu, do một người đẹp trong nội cung chủ trương”.

Diễn viên Hồng Ánh đóng vai tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao.
So với vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi”, thì vở kịch “Lệ Chi Viên” chỉ còn hai vai diễn bảo toàn là nhân vật Nguyễn Thị Lộ do diễn viên Hoàng Trinh đảm nhận và vai thái hậu Nguyễn Thị Anh do diễn viên Thanh Thủy đảm nhận.
Vì vậy, khi xem vở kịch “Lệ Chi Viên” hôm nay, công chúng được dịp so sánh những vai diễn từng gây ấn tượng mạnh mẽ trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” để thấy sự khác biệt hai phiên bản. Ví dụ, vai Nguyễn Trãi của diễn viên Hữu Châu trước đây và vai Nguyễn Trãi của diễn viên Quang Thảo bây giờ, hoặc vai thái giám Tạ Thanh của diễn viên Thành Lộc trước đây và vai thái giám Tạ Thanh của diễn viên Đại Nghĩa bây giờ.
Sự “cháy vé” của vở kịch “Lệ Chi Viên” những ngày đầu tháng 5 tại đô thị phương Nam, thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho sân khấu. Chứng tỏ công chúng không chỉ yêu thích kịch nói, mà còn quan tâm lịch sử, nhất là những kiến giải về các danh nhân.

Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trong vở kịch "Lệ Chi Viên".
Tất nhiên, sân khấu vẫn có khoảng cách với lịch sử. Lúc sinh thời, nhà văn Hoàng Hữu Đản khi trực tiếp xem biểu diễn “Bí mật vườn Lệ Chi” đã thổ lộ: “Lịch sử là những gì vốn có đã diễn ra trong quá khứ. Không ai viết lại được lịch sử. Tôi không có tham vọng lớn lao như vậy. Qua vở kịch này, tôi chỉ muốn khán giả tiếp cận thêm một sự thật nữa của lịch sử triều đại phong kiến, trả lại sự công bằng và danh dự cho vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ”.