Bàn về cách xưng hô 'mày - tao'

Học giả luận bàn đầu thế kỷ 20 và thông tư của ông Toàn quyền

Nguyên Phong - Thứ Tư, 15/03/2023 , 06:30 (GMT+7)

Hai tiếng 'mày - tao' là tiếng tục tằn, xấu xa nhất trong tiếng Việt Nam ta, người đã cắp quyển sách đi học không bao giờ nên dùng đến - một học giả viết.

Trên “Thực nghiệp dân báo” số 972, ngày 14/1/1924, Phan Khôi có bài viết “Cách xưng hô mày - tao” đã đặt ra vấn đề xưng hô “mày - tao” trong xã hội Việt Nam lúc đó là “vô phép”, “đểu giả” và cần bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt.

Theo Phan Khôi, trong tiếng An Nam ta, lối xưng hô khác với thứ tiếng của các nước khác, vì trong tiếng các nước khác khi dùng để xưng, đều có một “đại danh từ” để làm tiếng xưng chung, còn tiếng nước ta lại không thế.

“Chữ mày, chữ mi chỉ là tiếng của người trên xưng kẻ dưới hay là người lớn xưng trẻ con mà thôi; còn đối với ngang hàng mình, hoặc người trên mình thì cách xưng hô tùy mỗi bậc mà khác. Như đối với ngang hàng mình thì xưng là anh chị, đối với người trên thì xưng là ông, bà, cô, bác”.

Hay là “Cùng một tiếng anh, dùng để xưng người bạn thì có ý thân thiết, mà dùng để gọi người phu xe, thì cũng có ý khinh hèn; cùng một tiếng bà, cụ quan lớn dùng mà xưng là tiếng bà tầm thường, còn đầy tớ dùng mà xưng thì thành ra tiếng bà tôn trọng. Bao nhiêu những tiếng xưng hô khác nữa cũng nhiều nghĩa như vậy”.

Cái sự “không có một “đại danh từ” chung để mà xưng người, như “Vous” của Pháp, “Nị” của Tàu”, mà lại “dùng những tiếng ông, bà, anh, em, cô, bác là tiếng xưng người bà con ruột thịt, đem mà gọi người dưng kẻ nể”, theo Phan Khôi, đó là cái đặc sắc của tiếng An Nam, cũng chính là cái đặc sắc của chủng tộc An Nam.

Cho nên, cách xưng hô của ta là nhã, mặn mòi, đậm đà tình thân ái của người An Nam, người dân ở trong nước “gọi nhau cũng còn cứ anh anh, chị chị, cô cô, bác bác, như trẻ một nhà, như con một họ, biết thương yêu nhau, biết cứu giúp nhau, ấy chẳng phải là có một phần mãnh lực bởi cách xưng hô ấy nó gợi cái tính cốt nhục của tổ tiên ta mấy nghìn năm về trước”. Vì vậy, “cách xưng hô của ta là cái dây liên lạc, là cái nền thân ái cho ta vậy”.

Học giả Phan Khôi đưa ra một thực tế cay đắng: “Thế mà trong khoảng gần đây có một bọn người dấy lên toan đang tay mà dứt cái dây ấy, phá đổ cái nền ấy. Họ tính bỏ hết cách xưng hô nhã nhặn, mặn mòi, đượm đà của ta mà lập riêng một cách khác. Họ xưng với nhau bằng mày - tao… Nay thì bọn người đó đã mày tao với nhau như cơm bữa rồi, dầu ai nấy làm trái tai mặc lòng chứ tự học thì cho thế là văn minh, lịch sự. Nào những thế thôi, cả những tiếng An Nam như tiếng “cha tôi, mẹ tôi, anh tôi” họ cũng khinh bỉ không thèm nói đến, dường như nói đến thì hổ thẹn, mà phải nói đổi sang tiếng Pháp là “mon père, ma père, mon frère” thì họ mới bằng lòng”.

Phan Khôi nhận định “bọn nầy về sau sẽ chủ trương trong xã hội An Nam ta, rồi họ truyền cái lối xưng hô mới ấy ra, làm cho xã hội ta thành ra cái xã hội chăn trâu cầm cầy đánh khăng, đánh đáo, thì thật cũng thảm hại, lắm nhỉ”.

Cuối cùng, ông kết luận: “Quốc túy không phải là tờ giấy vàng vẽ rồng và thẻ bài ngà chữ đỏ đâu; cách xưng hô đặc biệt này cũng là một nền quốc túy đấy. Hỡi cô bác anh em! Ai có chí bảo tồn thì hãy ra sức mà bảo tồn. Ai giày đạp quốc túy là kẻ phản quốc. Ai dức dây liên lạc phá đổ nền thân ái là kẻ đại nghịch bất đạo”.

Có vẻ như việc “bảo tồn quốc túy” mà học giả Phan Khôi kêu gọi đó không những không được thực hiện mà việc xưng hô mày - tao trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc ngày một “nặng thêm”, để 7 năm sau, tác giả Đinh Huy Hạo tiếp tục bàn luận với bài viết “Mày - Tao?” đăng trên “Trung lập báo”, số 6393, ngày 17/3/1931.

Đinh Huy Hạo nhắc lại một khẳng định và một thực tế: “Hai tiếng xưng hô “mày - tao” là hai tiếng xấu xa tục tằn nhất trong tiếng ta, mà chán ngán thay nó còn sống ở trong tiếng ta mãi mãi, cái số người dùng những tiếng ấy càng ngày càng thấy nhiều thêm”. Theo ông, hai tiếng “mày - tao” phân biệt được hẳn giai cấp, bởi vì “chủ nhà gọi đứa ở là “mày” xưng là “tao”, đốc công nói với phu phen, thầy kí nói với thợ thuyền, vô số người dùng hai tiếng “mày - tao”. Xưng mình là “tao” gọi người là “mày” tức là khinh bỉ người ta, đặt người ta xuống một cái hàng đứng dưới chân mình vậy”. Tác giả bài báo đưa ra 3 ví dụ xưng hô “mày - tao” thời đó, cho thấy tính giai cấp rất rõ rệt:

Các ngài nghe câu: “Em ơi, em cầm hộp khâu lại đây cho chị” có phải nó êm đềm, ngọt ngào, thanh nhã bao nhiêu? Nếu nói: “Mày cầm cái hộp khâu lại đây cho tao” thì nó cộc lốc mà tục tằn bao nhiêu. Trong tiếng “mày - tao” thật không còn thấy tình chị em đâu nữa.

Đinh Huy Hạo

“Thầy bếp làm với nhà nước mấy chục năm trời, đã có hai ba cái huy chương gài trên mảnh áo dạ, hôm ấy khúm núm vào trong bàn giấy có việc. Một quan phán mới ba tuổi nhãi, ngồi vắt vẻo trên ghế, dừng bút quay lại lườm một cái, gắt: Mày đứng thế à?”.

“Một ông bát ở làng xưa nay cũng danh giá lắm, vì một việc lôi thôi hôm ấy phải ra tòa làm chứng. Ông thông ngôn khinh người sửa lại bộ kính, trẩu môi ra nói: Mày có trông thấy tên hàn X đánh tên phán Y không?”.

“Một ông lão đến tám chục tuổi đầu, già không chót kiếp hôm ấy phải lên gối xuống gối nể ông quan “phụ mẫu” mới độ ngót ba chục xuân xanh”.

Cách ưng hô mày - tao giữa con người với con người đó, theo Đinh Huy Hạo “chỉ vì hai tiếng xưng hô một con người đứng trước đồng loại thấy giá trị mình tụt xuống, tụt xuống dưới chân người khác, nghĩ đã nhục nhằn chưa? Đã đau đớn chưa?”. Cho nên, hai tiếng “mày - tao” là tiếng rất tục tằn của kẻ hạ lưu bỉ ổi.

“Ngay là cha mẹ, những bậc cha mẹ biết yêu con, biết dạy con, thật không ai gọi con bằng mày. Cho nên ta chỉ thấy nói “Con ra mợ yêu một cái”, chứ không thấy ai nói “Mày ra tao hôn một cái” bao giờ. Và một đứa con nít, nếu nó thấy cha mẹ nó đãi bằng “mày - tao” thì nó cũng chẳng dám thân gì với ông bà cha mẹ ấy nữa”.  Xem vậy đủ rõ hai tiếng kia là tục tằn, không phải tiếng nói của con người đứng đắn.

Cái tiếng “mày - tao” ấy càng ngày càng thịnh, cho nên cũng giống như Phan Khôi, tác giả Đinh Huy Hạo cho rằng: “Nếu ta không biết ngăn ngừa đi sớm, chỉ e cái tục tằn nó bành trướng lên to. Vì người ta thường lúc đầu chỉ nói đùa mấy tiếng tục có ý ngượng nghịu, nhưng lần lần nay một câu, mai một câu, sau nói tục không còn vấp vấp chút nào, có khi quên hẳn tiếng nói ấy là tục. Hai tiếng “mày - tao” là tiếng tục tằn, xấu xa nhất trong tiếng Việt Nam ta, người đã cắp quyển sách đi học không bao giờ nên dùng đến, bất cứ đối với hạng người nào”.

Chính vì việc xưng hô “mày - tao” tục tằn, chỉ dành cho kẻ hạng lưu bỉ ổi chứ không dành cho người hiểu biết như thế và cũng chính từ sự phổ biến xưng hô “mày - tao” trong xã hội lúc đó mà Toàn quyền Đông Dương đã phải ký thông tư yêu cầu từ bỏ cách xưng hô này.

Bài báo “Một tờ thông tư của quan Toàn quyền về việc bỏ lệ xưng hô mày - tao" đăng trên tờ “Đông Phương”, số 581, ngày 14/11/1931 để lại nhiều thông tin rất đáng quan tâm, xin trích nguyên văn: “Hôm 10 Novembre (tháng 11) vừa rồi, quan Toàn quyền Pasquier vừa gửi một tờ thông tư cho các ông chủ các sở đại để nói: “Có người cho bản chức biết rằng: Những viên chức người Pháp hoặc lớn, hoặc nhỏ, thường trong khi giao thiệp với các viên chức bản xứ lại hay dùng câu “mày - tao”. Vậy bản chức yêu cầu ngài nên dặn những viên chức Pháp dưới quyền ngài bảo từ nay phải bỏ cái lối cư xử ấy đi”.

Nguyên Phong
Tin khác
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Sự kiện