TP Vinh: “Nói không” với thu gom rác ban ngày
Sau khi xóa bỏ 193 điểm tập kết rác nhỏ lẻ, TP Vinh (Nghệ An) gặp khó khăn trong việc xây dựng các điểm tập kết tạm thời để trung chuyển rác từ xe gom lên xe tải lớn trước khi chuyển ra Khu Liên hợp xử lý rác thải rắn Nghi Yên. Tuy nhiên, với những quy định “cứng” và nỗ lực của các bên liên quan thì thành phố này đã thực hiện khá triệt để việc “nói không” với thu gom rác ban ngày, giảm ứ đọng và ô nhiễm do rác thải trong khu dân cư.
Gặp khó về điểm trung chuyển
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn thành phố Vinh thải ra khoảng 280 - 300 tấn rác. Thời điểm lễ, Tết, lượng rác lại thải ra lớn hơn, lên đến khoảng 1.000 tấn. Mặc dù mạng lưới thu gom rác thải đã bao phủ đến hầu hết các khu dân cư của các xã, phường trong toàn thành phố, do đặc thù của đô thị, có những tuyến đường nhỏ hẹp, công nhân môi trường phải sử dụng xe gom rác để đi thu gom, sau đó mới đem đến điểm tập kết để bốc lên xe tải và vận chuyển ra khu xử lý tập trung.
Theo quy trình, hiện nay, thời gian thu gom rác thường diễn ra vào buổi chiều tối, rác thải sau khi được thu gom nhanh chóng được xe tải chuyên dụng vận chuyển ra khu xử lý. Việc thu gom và vận chuyển rác cũng được thực hiện trong đêm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Quy trình là vậy, nhưng vì khối lượng rác lớn, trong khi đó, các điểm tập kết xe đẩy đã bị dẹp bỏ nên bắt buộc thành phố phải xây dựng các địa điểm tập kết để trung chuyển rác từ xe nhỏ bốc lên xe tải lớn.

Theo tìm hiểu, sau khi 193 điểm tập kết xe rác nhỏ lẻ khắp thành phố bị dẹp bỏ, hiện thành phố đang tạm thời sử dụng 6 điểm trung chuyển rác; cụ thể: Tại cầu Tùng Binh (phường Vinh Tân), tại khu đất trung tâm hành chính công (nằm ngay góc đường Lê Hồng Phong và Đại lộ Lê Nin), điểm trên đường 35m (xã Hưng Lộc), điểm trên đường Lê Ninh (phường Quán Bàu), điểm Lô Cao (phường Trung Đô) và điểm trên đường 72m (nay mới được di dời vào đường D3 thuộc khu vực thực hiện Dự án Cụm Công nghiệp Hưng Đông).
Ông Phạm Hữu Thắng – Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, cho biết: Trước đây, các điểm tập kết xe rác tạm thời thường được đặt ngay các góc ngã ba, ngã tư các tuyến đường chính. Nhưng sau này, do ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân sinh nên đã phải dẹp bỏ. Điều đó buộc thành phố phải xây dựng các điểm trung chuyển rác. Đây chính là vấn đề làm phát sinh nhiều bất cập, nhất là việc người dân sống xung quanh các điểm tập kết này không đồng tình.

Cũng theo ông Thắng, việc xây dựng các điểm trung chuyển rác là trách nhiệm của thành phố, đơn vị chỉ thực hiện nhiệm vụ thu gom và xử lý. Nếu không có điểm trung chuyển thì chắc chắn việc thu gom sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trên thực tế, mỗi công nhân được giao làm nhiệm vụ thu gom, quét dọn vệ sinh trên từng trục đường. Mỗi trục đường như vậy có thể có nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh và đông dân cư… lượng rác thải ra hàng ngày rất lớn. Nếu đi thu gom xong lại đẩy xe ra chờ bốc lên xe tải rồi đưa xe đẩy quay về thu dọn tiếp thì sẽ không thể kịp tiến độ. Tuy vậy, do việc xây dựng các điểm trung chuyển rác chưa đồng bộ nên gần như đang ở trong tình trạng “nhảy cóc”. Cứ điểm trung chuyển này mở ra, sau khi bị người dân phản đối lại phải chọn một địa điểm khác.
Cách đây vài năm, 1 điểm trung chuyển rác được mở ngay trên đường Nguyễn Viết Xuân gần với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, do người dân phản đối, nên lại phải chuyển xuống đường 35m gần Trường Đại học Điện lực (thuộc xã Hưng Lộc). Hay như điểm tập kết tạm thời ngay trên đường 72m, nhưng do gần với Khu Công nghiệp VSIP nên điểm này cũng đã phải xoá bỏ để di chuyển đi nơi khác.
Không để rác tồn đọng
Trên thực tế hiện nay tại các khu dân cư ở TP Vinh việc quy định giời giấc đổ rác rất rõ ràng và được quán triệt đến từng khối, xóm và từng hộ gia đình người dân.
Đơn cử như tại xóm Yên Bình, xã Hưng Đông nơi có đến 420 hộ dân sinh sống trên nhiều trực đường và được chia thành 12 tổ dân cư khác nhau. Việc đưa rác thải từ hộ dân cư ra điểm tập kết (điểm chung theo khu dân cư đã quy định từ 3-5 hộ gia đình) được quy định là bắt đầu từ 17h. Khi đó, các vệ sinh viên sẽ tiến hành dùng xe kéo tự chế để thu gom lần lượt theo các tuyến đường đã được phân công đưa về điểm trung chuyển. Đến tối lần lượt các xe chuyên dụng sẽ đến bốc rác thải để vận chuyển ra Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên để xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Thế Hải, xóm trưởng xóm Yên Bình, cho biết: Việc đưa rác từ các hộ gia đình ra điểm tập kết tạm thời đã được chúng tôi quán triệt rõ về giờ giấc nên trong những năm qua không có hiện tượng người dân thích đưa rác ra khỏi nhà giờ nào cũng được; các vệ sinh viên cũng làm việc có trách nhiệm và đúng giờ giấc nên rác thải ứ đọng gần như không còn xảy ra trên địa bàn.
Ông Phạm Hữu Thắng – Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, cho biết thêm: Theo quy định, thời gian đổ bỏ rác thải sinh hoạt đối với các hộ dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị phải tuân thủ đúng khung giờ từ 17 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Còn đơn vị chúng tôi theo chức năng, nhiệm vụ thì phải có trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác trong khoảng thời gian từ 17 giờ hôm nay đến 6 giờ hôm sau. Người dân cần tuân thủ nghiêm quy định về thời gian đổ rác thải sinh hoạt đúng khung giờ quy định, không bỏ rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Trên thực tế Công ty chúng tôi rất nỗ lực thu gom rác thải sinh hoạt tại tất cả các điểm hàng ngày trong tuần và không để rác thải tồn đọng trong khu dân cư.